BVR&MT – Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang đã triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được xây dựng, đưa vào hoạt động, phục vụ du khách.
Khi xây dựng sản phẩm du lịch, Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang đều chú trọng bản sắc văn hóa và tính đặc thù của từng địa phương; đồng thời, xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch và chiến lược phát triển nhằm đưa ngành du lịch bứt phá, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Chú trọng sản phẩm mới
Trong tháng 4/2022, UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã khánh thành và đưa vào hoạt động một số sản phẩm du lịch mới như: điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Phja Oắc, rừng trúc ở Bản Phường, xã Thành Công; điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao và khu nhà trình tường của người Dao ở xã Quang Thành, tạo thêm điểm nhấn cho du khách trải nghiệm. Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, Đào Nguyên Phong cho biết: Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, địa phương đã quan tâm huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng và tôn tạo cảnh quan, đào tạo, mở các lớp tập huấn du lịch cộng đồng với mong muốn tạo “sức bật” mới để từng bước phát triển du lịch, thu hút khách, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Với quyết tâm phục hồi và phát triển du lịch, đầu tháng 4/2022, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức một hội nghị chuyên đề “chào hàng” du lịch đến các công ty lữ hành, người dân tại Thủ đô Hà Nội. Tại hội nghị, Bắc Kạn đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch, các chủ trương đầu tư phát triển điểm đến và quảng bá một loạt sản phẩm du lịch mới như: tour du lịch mạo hiểm khám phá hang động; khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Ba Bể; du lịch đêm, nghe hát Then, ngắm cảnh, ẩm thực trên hồ Ba Bể; gian hàng sản phẩm OCOP tinh bột nghệ curcumin… Anh Lương Đạt, du khách đến từ Hà Nội cho biết, tôi và các bạn bè của mình chọn đặt một homestay ven hồ Ba Bể. Trong buổi sáng, chúng tôi dành thời gian đi vãn cảnh hồ, tối cùng tụ tập đốt lửa trại, thật sự rất thú vị.
Tăng cường kết nối, phát triển du lịch, tỉnh Bắc Kạn cũng tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc năm 2022. Địa phương cũng chuẩn bị cho sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn. Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Lưu Quốc Trung cho biết, bí xanh thơm là sản phẩm đặc trưng riêng có của tỉnh Bắc Kạn. Vùng trồng bí xanh thơm ở Ba Bể trải dài, khi cây ra quả dưới dàn treo sẽ tạo nên cảnh sắc rất đẹp, độc đáo thu hút nhiều người dân trải nghiệm.
Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm du lịch mới này sẽ tạo ra sức hút mới, đạt cùng lúc hai mục tiêu phát triển du lịch trải nghiệm vào mùa hè và thúc đẩy tiêu thụ quả bí đặc sản.
Tại tỉnh Hà Giang, từ cuối năm 2021 đến nay, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức hàng chục tour du lịch online với nội dung, giới thiệu mùa hoa trên Cao nguyên đá Đồng Văn và chợ phiên vùng cao qua nền tảng Zoom. Tour du lịch online kéo dài 60 phút và được quay tại ba điểm cầu là vườn hoa cải tại bãi đá Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; vườn hoa cải thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn; vườn hoa đào xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc.
Các điểm cầu được kết nối trực tuyến với các du khách tại châu Âu, Nhật Bản, các câu lạc bộ du lịch, hiệp hội du lịch, các công ty du lịch trong cả nước. Địa phương cũng xây dựng kế hoạch tổ chức hàng loạt sự kiện du lịch sau hai năm tạm dừng do dịch bệnh nhằm thu hút du khách như tổ chức lễ hội chợ tình Khâu Vai; chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; lễ hội mùa vàng Hoàng Su Phì; lễ hội hoa tam giác mạch… Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh tại các thị trường tiềm năng
Trong số các sản phẩm du lịch mới, khu nghỉ dưỡng Mông Village tại xã Đồng Hà, huyện Quản Bạ (Hà Giang), vốn đầu tư 180 tỷ đồng là điểm đến bản sắc và nổi bật. Khu du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng đất, kiến trúc gần gũi với văn hóa truyền thống của người Mông. Trong quần thể khu du lịch có 15 ngôi nhà được xây dựng theo hình chiếc quẩy tấu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Đây cũng là một trong năm khu du lịch vinh dự đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng khách sạn xanh ASEAN – 2022 tại diễn đàn du lịch Đông Nam Á-ATP 2022 tổ chức tại Campuchia.
Với bản sắc và tiềm năng, cùng những sản phẩm du lịch mới, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Hà Giang đã thu hút gần 70 nghìn lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 120 tỷ đồng; du lịch Cao Bằng đã thu hút hơn 40 nghìn lượt khách; khu du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thu hút hơn 10 nghìn lượt khách. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, Trương Thế Vinh chia sẻ, để giúp du lịch bứt phá, địa phương tập trung theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong năm 2022, Cao Bằng sẽ phối hợp tham gia các sự kiện quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước; đồng thời, tổ chức các hoạt động như giải chạy marathon tranh cúp “Thác Bản Giốc”, giải chạy chinh phục đỉnh Phja Oắc lần II, tổ chức hoạt động bay dù lượn tại thung lũng “treo” Tĩnh Túc, tăng cường quảng bá thu hút du khách.
Từng bước tạo đà phát triển
Ngành du lịch mở cửa, phục hồi, tạo đà bứt phá đã giúp ba địa phương Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang phát triển thương mại, dịch vụ, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và “xuất khẩu” tại chỗ được nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương. Để du lịch phát triển nhanh, bền vững và bứt phá, mỗi địa phương đã xây dựng kế hoạch và chiến lược du lịch riêng, nhưng có điểm chung đó là yếu tố đậm đà bản sắc.
Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đánh giá, để phát triển du lịch, Hà Giang và các tỉnh trong khu vực cần khai thác sâu vào văn hóa bản địa, tạo sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch miền núi với các tỉnh vùng trung du, đồng bằng. Để làm được điều đó, mỗi địa phương cần có chiến lược bài bản, lâu dài, trong đó trọng tâm là phải thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc.
Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết: “Nhận thức, hành động của du lịch Hà Giang là lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa. Từ nhận thức xuyên suốt đó, cho nên công tác bảo tồn các giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm thực hiện. Từ đó tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đầy bản sắc, đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và người dân cũng được hưởng lợi, nâng cao thu nhập từ công tác bảo tồn văn hóa qua thu hút du khách, phát triển du lịch”.
Đối với Bắc Kạn, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền tảng bền vững để phát triển du lịch. Tháng 5/2022, địa phương phối hợp triển khai đề tài khoa học khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối, trọng tâm là phát triển du lịch hồ Ba Bể kết nối với các trung tâm kinh tế-chính trị và các khu du lịch trong khu vực, với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, địa phương thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch của tỉnh như khu du lịch hồ Ba Bể, khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, thác Nà Khoang, hồ Bản Chang, ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Trong khi đó, tại Cao Bằng, sau thời gian huy động nguồn lực thực hiện chương trình phát triển giao thông phục vụ phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và đô thị, mạng lưới giao thông nội tỉnh đã được nâng cấp, cải tạo, kết nối các “điểm đến”.
Tuy có những quan tâm triển khai xây dựng và phát triển du lịch nêu trên, song ba địa phương Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang cũng có chung “điểm nghẽn” đó là đường giao thông nối địa phương với các thành phố, trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Do đó, mỗi địa phương đều đang kiến nghị, xúc tiến triển khai xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Để tạo sự đồng bộ, liên kết cùng phát triển, ba địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang cũng tăng cường liên kết, phối hợp phát triển du lịch. Hai địa phương Hà Giang và Cao Bằng phối hợp triển khai tour du lịch kết nối Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tỉnh Cao Bằng và tỉnh Bắc Kạn cũng phối hợp quảng bá, liên kết, phát huy điều kiện địa lý kết nối phát triển du lịch. Mỗi địa phương đều có chương trình, kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch riêng, nhưng đều hướng tới mục tiêu: xây dựng thương hiệu du lịch miền núi độc đáo và bản sắc./.