BVR&MT – Những ngày gần đây, tỉnh Đồng Nai chính thức bước vào mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn liên tục tăng cao. Trước tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 4/5, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 70% là trẻ em, ghi nhận hai trường hợp tử vong.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khoảng 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 30 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 4-5 ca bị sốc sốt xuất huyết do người nhà thường nhầm lẫn với dấu hiệu của bệnh COVID-19 nên phát hiện bệnh muộn. Theo các bác sĩ, tình trạng sốc sốt xuất huyết nếu không được can thiệp kịp thời sẽ khiến việc điều trị, hồi sức cho trẻ khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, hai năm trước, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong cả nước, các địa phương triển khai cách ly, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc, phun xịt khử khuẩn nên số ca bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh. Tuy nhiên, năm nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát rất tốt trên địa bàn tỉnh, không còn tình trạng cách ly, phong tỏa, việc đi lại và sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Nhiều người còn lơ là trong phòng, chống nên bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao trong thời điểm này.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, nhưng điều đáng lo ngại là tâm lý chủ quan của người dân trong việc phòng, chống các lại bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết nặng, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa mưa.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân cần chủ động phòng, chống để tránh mắc bệnh. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để biết sự biến động bất thường của các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm, kịp thời xử lý những ổ dịch nhỏ để ngăn chặn sự bùng phát dịch một cách kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhất là các khu nhà trọ công nhân. Bên cạnh đó, Trung tâm tuyên truyền, hướng dẫn người dân có thể tự phòng bệnh sốt xuất huyết như dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần sáng màu, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có những biểu hiện như sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, sốt lên đến 39, 40 độ C, uống thuốc hạ sốt không hạ hoặc hạ sốt trong thời gian ngắn lại sốt cao cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.