Người gác rừng

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

BVR&MT – Dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, những bước chân bền bỉ khi leo ngược dốc và mỗi khi nói về rừng, đôi mắt sáng lên như tâm tình về điều gắn bó, thân quý của mình, đó là ấn tượng của tôi khi gặp anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà).

Rừng gỗ nghiến, gỗ trai tại xã Cốc Ly rộng gần 260 ha, có 827 cây gỗ nghiến, gỗ trai đường kính từ 30 cm trở lên. “Được giao nhiệm vụ bảo vệ khu rừng quý, tôi tự hào và nhận rõ trách nhiệm nặng nề. Tự hào bởi đây là nơi duy nhất ở Lào Cai và cả vùng Tây Bắc còn rừng gỗ nghiến cổ thụ hơn 1.000 năm tuổi. Nặng nề bởi làm sao giữ được báu vật trong khi ngoài kia, lâm tặc ngày đêm rình rập, nung nấu tìm mọi thủ đoạn để chặt phá”, anh Toàn tâm sự.

Anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà).

Làm nghề kiểm lâm, anh Toàn hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu. Cái khó với cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm là bản lĩnh “giữ được mình”, không sa ngã trước những cám dỗ của đồng tiền từ các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Cũng vì thế khi nhắc đến tên anh, nhiều lâm tặc dù cứng đầu cũng phải khiếp sợ.

Anh Toàn kể: Năm 2017, anh cùng tổ bảo vệ rừng đi tuần tra rừng nghiến ở thôn Thẩm Phúc thì phát hiện 2 đối tượng đang cắt nu nghiến bằng cưa tay. Các đối tượng có ý định mua chuộc và hứa chia lợi nhuận nếu làm ngơ, nhưng anh và đồng đội cương quyết không thỏa hiệp, yêu cầu đối tượng về UBND xã làm việc. Ngay sau đó, các đối tượng dùng đá ném và súng tự chế tấn công tổ công tác hòng thoát thân. Với kinh nghiệm, mưu trí và lòng dũng cảm, anh cùng tổ tuần tra chia thành 3 mũi tấn công theo phương pháp vây lưới và sau hơn 3 giờ đã tóm gọn các đối tượng. Hoặc năm 2021, có 9 đối tượng rình hôm trời mưa rét để chặt hạ 1 cây gỗ nghiến tại thôn Làng Đá – Sín Chải với khối lượng hơn 15,2 m3. Khi bị phát hiện, các đối tượng chống trả quyết liệt khiến anh và thành viên tổ tuần tra rừng bị thương. Tuy nhiên, với tinh thần kiên định của những người gác rừng, các đối tượng đã bị bắt và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đó là 2 trong những vụ mà anh Toàn cùng các thành viên tham gia vây bắt đối tượng xâm hại rừng gỗ nghiến. Nhiều lần anh bị lâm tặc đe dọa rồi dụ dỗ, nhưng vượt lên tất cả, anh vẫn bình tĩnh, tự tin làm tốt công việc của mình. Không chỉ kiểm soát vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản và động vật rừng, anh còn tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ và phát triển rừng.

Anh Toàn (người cầm sổ) cùng thành viên Tổ bảo vệ rừng xã Cốc Ly tuần tra rừng.

Sau một thời gian nhận nhiệm vụ tại xã Cốc Ly, anh Toàn nhận thấy trong khu vực bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai có nhiều hộ nghèo, cận nghèo sinh sống và nhận thức về công tác bảo vệ rừng của một số người còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục vào rừng khai thác gỗ trái phép. Mặt khác, diện tích khoán bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai gần 260 ha, nằm rải rác tại 6 thôn, trong đó 3 thôn giáp ranh với thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Đây là khu vực có nhiều đường mòn, đường dân sinh giáp rừng, do đó công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn. Anh cho rằng muốn giữ được rừng thì người dân địa phương là lực lượng quan trọng nhất, vì vậy phải để người dân tình nguyện tham gia giữ rừng.

“Khó khăn lớn mà tôi gặp phải là bất đồng ngôn ngữ. Với đặc thù xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên muốn vận động được họ thì trước tiên mình phải nghe, nói được tiếng của đồng bào, từ đó hiểu phong tục, tập quán và giúp họ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, canh tác bền vững, hạn chế áp lực vào rừng”. Anh kiên trì học tiếng Mông mỗi tối, còn ban ngày đến từng hộ hướng dẫn người dân làm đất, mua cây quế giống trồng rừng và hướng dẫn cách chăm sóc…

Nhờ sự tận tình giúp đỡ của anh, người dân xã Cốc Ly đã trồng hơn 1.200 ha quế, đem lại thu nhập bền vững. Cuộc sống ổn định, người dân không còn phá rừng làm nương hoặc khai thác rừng trái phép, thay vào đó là tình nguyện bảo vệ rừng.

Thấm thoắt đã gần 10 năm anh Đặng Văn Toàn gắn bó với xã Cốc Ly. Anh cũng là người trạm trưởng gắn bó lâu năm nhất với những cánh rừng gỗ nghiến, gỗ trai nơi này. Nhiều năm liền anh được tặng Giấy khen của xã, của huyện bởi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh còn vinh dự được tặng Giấy khen của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh với danh hiệu Kiểm lâm viên tiêu biểu.