BVR&MT – Trong năm 2022, huyện Huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM; thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch vừa thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Ba Vì là một trong những huyện có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, nhất là hình thành chuỗi giá trị cung ứng để cung cấp cho khách hàng. Huyện cũng đã triển khai nuôi trồng thủy sản theo hướng liên danh liên kết, hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa là những hướng phát triển giàu tiềm năng của Ba Vì.
Tính đến tháng 4/2022, huyện Ba Vì có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, tính hết năm 2021, huyện Ba Vì có 30/30 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%) và 1/30 xã đạt NTM nâng cao.
Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 26.080 tỷ đồng (bằng 79% kế hoạch). Tổng diện tích gieo trồng 3 vụ Đông, Xuân, Mùa là 22.536ha (đạt 101% kế hoạch). Trong đó, tổng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản năm 2021 đạt 9.180 tỷ đồng (đạt 98,9% kế hoạch). Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,2%; hệ số sử dụng đất đạt 2,4 lần và giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 175 triệu đồng/ha.
Toàn huyện có 116 HTX, trong đó có 102 HTX đang hoạt động và 14 HTX dừng hoạt động. Huyện có 125 trang trại và đa số đều sản xuất theo quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, tính hết năm 2021, huyện có 20 làng nghề được công nhận và 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đời sống nông dân nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần (năm 2019 còn 1,43% và năm 2021 còn 0,17%).
Để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2022, huyện Ba Vì đề nghị TP quan tâm, ưu tiên, hỗ trợ kinh phí thực hiện các tiêu chí huyện NTM và 3 xã NTM nâng cao năm 2022 với tổng kinh phí còn thiếu gần 840 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí cho huyện để nâng cao chất lượng tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hoá. Có cơ chế khuyến khích DN và hỗ trợ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tạo thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá…
Về phía TP. Hà Nội, năm 2022 là năm Thủ đô quyết liệt triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; năm kiểm tra rà soát việc thực hiện các kết luận của T.Ư, TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, huyện Ba Vì đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành quy hoạch 1-2 khu, cụm công nghiệp trong năm 2022 để tạo động lực phát triển kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung, nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp. Để thực hiện được thì huyện cần có giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp, phát triển mạnh mẽ các ngành thương mại, dịch vụ tiềm năng, nhất là du lịch tâm linh.
Với lĩnh vực xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện tích cực rà soát việc triển khai xây dựng huyện NTM song hành với nỗ lực xây dựng các xã NTM nâng cao. Gắn xây dựng NTM với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng và phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện. Trong đó, tại một số xã cần kết hợp giữa NTM nâng cao với phát triển đô thị và tại các xã vùng núi thì phát triển NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện phải xây dựng các trung tâm văn hóa phải kết hợp với trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc thù để phát triển du lịch. Đổi mới phương thức hoạt động của các HTX theo hướng kết nối cung ứng hàng hóa từ Ba Vì tới các trung tâm thương mại của TP. Huyện cần sớm có quy hoạch chợ dân sinh cụ thể để vừa tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động buôn bán giao thương, vừa xây dựng bộ mặt nông thôn văn minh, hiện đại trên địa bàn.
Hậu Thạch