BVR&MT – Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam có nền văn hóa và kho tàng di sản vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi tộc người lại có bản sắc và môi trường văn hóa truyền thống riêng thông qua các thực hành văn hóa. Vì vậy, trong xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam, mục tiêu chính là bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đó cũng là nhận định thống nhất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa tại Diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” được ngành văn hóa tổ chức mới đây.
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức…) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất.
Ở khía cạnh thực tế, như tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ba di sản được UNESCO ghi danh là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, cùng hàng chục di tích, nghi lễ, lễ hội đặc trưng và các nghi thức dân gian tạo nên một môi trường văn hóa truyền thống tốt đẹp, đa dạng.
Phát huy thế mạnh của các cộng đồng, nhóm người, ngành văn hóa tỉnh chủ động phối hợp các ngành, địa phương tổ chức các phong trào văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân vừa tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao vừa góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Việc xây dựng môi trường văn hóa cũng không tách rời công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và tôn vinh các giá trị truyền thống văn hóa đa dân tộc. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 62 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 1.600 thanh thiếu niên là người đồng bào dân tộc thiểu số, phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Mạ để bảo tồn, khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn. Trong xã hội số hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0, mỗi dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng coi môi trường số và các nền tảng mạng xã hội là cơ hội để quảng bá hình ảnh, văn hóa của dân tộc mình với thế giới.
Cũng với tinh thần phát huy truyền thống các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa, Hà Nội tập trung khai thác thế mạnh của các cộng đồng dân cư để phát triển mà không làm mất đi bản sắc nhằm xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp. Sự đa dạng của thành phần cư dân, tính đa diện, phức tạp của văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn, trung du, miền núi và thành thị mang đến thuận lợi cũng như khó khăn trong xây dựng con người và phát triển văn hóa. Với sự thống nhất về nền tảng văn hóa, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Hà Nội tiếp tục gìn giữ, khai thác, tuyên truyền những truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, trường học; hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…
Có thể thấy sự đa dạng các nền văn hóa đã tạo nên những môi trường văn hóa khác nhau với những chủ thể văn hóa cụ thể. Theo các chuyên gia, văn hóa Việt Nam là văn hóa của cộng đồng các tộc người được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử. Mỗi tộc người có đặc trưng về văn hóa và những sáng tạo riêng góp phần làm nên tính đa dạng, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, tôn trọng tính đa dân tộc để phát triển cũng như bảo tồn bản sắc, văn hóa dân tộc là trách nhiệm của toàn xã hội.
Trong quá trình phát triển, do cơ chế và nguồn lực, một số di sản bị xâm phạm, tàn phá, có nguy cơ biến mất. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức tự hào về tính đa dân tộc và tôn trọng tính đa dạng văn hóa; lồng ghép nội dung bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong các chương trình, kế hoạch trong xây dựng môi trường văn hóa cho cộng đồng dân cư; chú trọng phát triển văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc trong từng môi trường, lĩnh vực cụ thể để giới thiệu và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam…