BVR&MT – Chiều ngày 18/04, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế cảnh quan ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với Triển lãm ký họa Bản sắc cảnh quan Sơn La và các phương án ý tưởng” nhằm đề xuất các ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan có tính thực tiễn, khả thi cao để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu .
Nằm trong mục tiêu phát triển “An toàn – Thân thiện – Đậm đà bản sắc”, thành phố Sơn La đã đưa ra những định hướng cụ thể về mặt quy hoạch trong khâu nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng thoát nước và hệ thống mặt nước. Điều chỉnh này được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết trong hệ thống điều tiết thoát nước cũng như phục vụ nhu cầu phát triển không gian công viên cây xanh mặt nước công cộng trong đô thị.
Tuy nhiên, những tác động trong quá trình quy hoạch đã làm cho việc phát triển đô thị trở nên không đồng nhất và lấn chiếm ngày một nghiêm trọng các khu dân cư và đô thị, ảnh hưởng đến giá trị về mặt không gian cũng như quy mô của diện tích mặt nước của vùng. Những tác nhân này có liên quan trực tiếp đến môi trường sinh thái và khí hậu của thành phố, đặt ra những đòi hỏi cấp thiết của việc bảo vệ, nâng cấp và phát triển cảnh quan tại các địa điểm mặt nước tự nhiên và hệ thống thoát nước.
Quan điểm tiếp cận từ thực địa của hội thảo kỹ thuật này giúp xác định và phát huy những giá trị bản địa hiện hữu thông qua khảo sát hiện trạng, vẽ ghi và phân tích để đề xuất các ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan để đưa ra giải pháp khải thi giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Việc vẽ ghi, ký họa những nét bản sắc, giá trị văn hoá và cảnh quan của địa phương và triển lãm tại Sơn La và Hà Nội là một kết quả quan trọng của Workshop trong việc ghi nhận những giá trị bản địa của Sơn La tới cộng đồng.
Ông Hà Trung Chiến – Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La cho biết: Thành phố Sơn La đang ưu tiên tập trung triển khai bằng nội lực và thu hút đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có các dự án lớn đang được đầu tư. Tuy nhiên, với nguồn lực kinh tế của tỉnh và nguồn tài nguyên sẵn có chưa đủ mạnh để thúc đẩy khả năng đầu tư một cách nhanh chóng, bài bản. Do đó, việc thu hút nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển thành phố là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là nguồn vốn ODA.
Với mục tiêu đó, việc UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành trong đó trực tiếp là Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La triển khai công tác huy động nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp là việc làm hết sức cần thiết để tạo nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là thành phố Sơn La. Trong đó có Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án đồng thời cho phép triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Theo ông Hà Trung Chiến, workshop là một khái niệm và cách làm mới được triển khai tại tỉnh Sơn La, đây là một hoạt động mang tính chất tập thể, là một hình thức trao đổi, nghiên cứu và mang tính chất sáng tạo, tập trung trí tuệ của nhiều người. Kết quả sau khi hoàn thành chương trình sẽ mang lại những thành quả nhất định, phục vụ nội dung thiết thực cho các dự án thành phần, đặc biệt nội dung sáng tạo trong thiết kế sẽ mang lại hiệu quả hữu ích phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Các bạn sinh viên Việt, Pháp đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao sẽ đóng góp các ý tưởng về tiềm năng của hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian cây xanh, mặt nước công cộng và những giá trị văn hoá bản sắc của Sơn La nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Đối với các nội dung Workshop của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và của trường ĐH Kiến trúc cảnh quan quốc gia Pháp đã được xác định hướng vào các hoạt động thiết kế ý tưởng hạ tầng công viên, hồ điều hòa, mương thoát lũ thuộc một trong các hợp phần của dự án. Hợp phần này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thoát nước, bảo vệ môi trường; tạo cảnh quan đô thị của TP. Sơn La và được gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư.
Chúng tôi đánh giá rất cao về bề dày kinh nghiệm của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc cảnh quan quốc gia Pháp cũng như khả năng sáng tạo của các em sinh viên. Sơn La đã có nhiều ý tưởng thiết kế cảnh quan xuất sắc từ các bạn sinh viên, các giảng viên, chuyên gia khi thực hiện rất nghiêm túc chương trình. Đây là một cơ hội quý giá với chúng tôi để có được những ý tưởng mang tính sáng tạo độc đáo và có sự giao thoa của nền văn hóa Á-Âu.
Ông Olivier Gillard, Chuyên gia Thủy văn, Trưởng nhóm dự án của AFD, chia sẻ rằng ông tin tưởng hoạt động này là một cơ hội tốt để các bạn trẻ đưa ra các ý tưởng sáng tạo mới, đồng thời tham gia đối thoại về quản trị rủi ro thiên tai và quản trị tài nguyên nước.
Tác động vào yếu tố nước là tác động đến BĐKH, bởi BĐKH và các yếu tố thủy văn không tách rời nhau mà có mối liên hệ qua lại chặt chẽ. Việc chỉnh trị dòng sông hay tác động tới tài nguyên nước chính là cách để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, rủi ro thiên tai, lũ lụt vẫn sẽ còn đó, khó có thể xóa bỏ hoàn toàn, chúng ta chỉ có thể thích ứng và giảm nhẹ. Các bên liên quan bao gồm nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật và cả người dân… nên chú trọng yếu tố này trong quy hoạch thành phố”, ông Olivier nhấn mạnh.
Còn ông Pr. Dominique LAFFLY, Tùy viên Hợp tác khoa học và đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết ông chắc chắn rằng sự tham gia của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và sinh viên của trường vào các hoạt động của dự án là một ý tưởng sáng tạo và có thể nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa, bởi vì họ có một quan điểm mới về quản lý thành phố với mối liên hệ chặt chẽ với những thách thức thực tế cho một thành phố bền vững. Với Đại học Kiến trúc, còn có thêm khía cạnh nghệ thuật rất thú vị.
Phương pháp được sử dụng trong hội thảo này liên quan đến nghiên cứu tất cả các tác nhân và người dân đều tham gia để cùng nhau suy nghĩ về đáp án cho câu hỏi. Phương pháp “khoa học tích cực” hàng đầu này rất quan trọng vì công dân được coi như một phần thực sự của hệ thống. Vì vậy, họ sẵn sàng làm điều tốt nhất. Đại học Kiến trúc dẫn đầu về phương pháp luận đó ở Việt Nam vì một số phó giáo sư thực tế đã làm luận án tiến sĩ của họ tại Pháp – ông Pr. Dominique LAFFLY chia sẻ thêm.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra Triển lãm ký họa bản sắc cảnh quan Sơn La do nhóm sinh viên chuyên ngành mỹ thuật thực hiện. Các bộ tranh ký họa cảnh quan, con người với các mục tiêu: Làm nổi bật bản sắc thiên nhiên, văn hóa, con người Sơn La, tìm ra các yếu tố đặc trưng và có tiềm năng phát triển song hành với nền kinh tế của thành phố và khả năng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng tại khu vực. Triển lãm tranh ký họa đã diễn ra ngày 7/4/2022 tại Đại học Tây Bắc và trưng bày tại phiên cuối hội thảo tại Hà Nội.
Trước đó, từ ngày 01 – 08/04, đoàn sinh viên tham gia dự án gồm 40 người thuộc chuyên ngành kiến trúc, sinh học, địa lý… của một số trường đại học tại Hà Nội và Pháp đã triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các phương án ý tưởng trên phạm vi toàn Thành phố Sơn La.
Từ việc phân công nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu, đoàn giảng viên và sinh viên sẽ đưa ra những ý tưởng cải tạo, chỉnh trang cảnh quan tại các khu vực điểm nhấn là 2 hồ, tuyến mương thoát nước từ khu vực Trường Sinh về thành phố, với mong muốn tạo nên các bộ nhận diện về bản sắc văn hóa địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Ngoài ra, đoàn có thể đề xuất thêm các phương án thiết kế giúp tăng cường khả năng thu gom nước thải, nâng cao khả năng thoát lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời cung cấp một số biện pháp xử lý ô nhiễm nước, đất, rác thải…
Đào Thúy – Hà Linh
Hội thảo “Thiết kế kiến trúc cảnh quan thành phố Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu” là một hoạt động thuộc dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”, một trong số các dự án do AFD và EU tài trợ thông qua Quỹ WARM (Water Resources Management facility). Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La do tỉnh Sơn La đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai lập đề xuất dự án để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Quỹ WARM hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược trong lĩnh vực quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên nhằm ứng phó với các thách thức chính của địa phương như lũ lụt và xói lở do tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm thu được từ các dự án này sẽ góp phần vào đối thoại chính sách về khí hậu, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong khuôn khổ WARM Facility, EU đã phân bổ khoản tài trợ 20 triệu euro cho AFD. Đây là lần đầu tiên chương trình này được AFD triển khai tại Việt Nam. Cách tiếp cận sáng tạo cho phép nâng cao hiệu quả và chất lượng dự án, phục vụ cho việc lập kế hoạch phù hợp với các ưu tiên của chính phủ Việt Nam và AFD. Phối hợp với chính quyền trung ương và địa phương của Việt Nam, AFD sẽ huy động Quỹ WARM chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư đồng tài trợ bằng vốn vay AFD và các nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2029 với tổng số tiền ước tính là 200 triệu Euro. Tại Việt Nam, AFD đang hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris bằng việc tập trung vào giới trẻ và quá trình chuyển đổi năng lượng, làm cho các thành phố và vùng lãnh thổ có sức sống bền vững. Chiến lược của AFD là hỗ trợ Việt Nam tiến tới con đường phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu. Trong giai đoạn 2006-2020, 1130 triệu euro đã được sử dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua 26 dự án và chương trình phát triển. Các lĩnh vực phát triển đô thị và lãnh thổ, quản lý năng lượng và nước là những chủ đề được đặc biệt chú ý. AFD cũng tích cực đối thoại chính sách công với các cơ quan chức năng của Việt Nam để giúp nâng cao tham vọng hướng tới một con đường phát triển các-bon thấp và có khả năng phục hồi. |