BVR&MT – Hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản, đầu tư công giảm sâu, trong đó không ít mã giảm sàn vào cuối phiên đầu tuần (ngày 18-4) của thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,96 điểm, xuống còn 1.432,6 điểm. Toàn sàn có 109 mã tăng, 373 mã giảm giá trong đó có tới 87 mã giảm sàn, 25 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 13,59 điểm, xuống còn 403,12 điểm. Toàn sàn có 38 mã tăng, 203 mã giảm, trong đó 49 mã giảm sàn, và 37 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,15 điểm, xuống còn 110,21 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng 17% so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 28.148 tỉ đồng. Riêng sàn HoSE tăng 18,8% lên 24.739 tỉ đồng.
Khối ngoại mua ròng khoảng 7 tỉ đồng ở sàn HoSE. Nhà đầu tư tiếp tục gặp áp lực bán tháo ở phiên ATC. Nhiều mã chứng khoán lẽ ra không giảm sâu nhưng đã bị đặt bán giá sàn, kéo VN-Index giảm sâu hơn.
Trước đó, thị trường chứng khoán sáng 18-4 ghi nhận hiện tượng “sale off” (bán ra ồ ạt) bởi niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn và tâm lý bi quan tăng lên. Trong đó, nhóm VN30 với các mã ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng giảm rất mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch sáng 18-4, VN-Index giảm sâu gần 23 điểm, xuống 1.435,62 điểm; HNX-Index cũng giảm 10,99 điểm, xuống 405,72 điểm và UpCom-Index giảm 1,94 điểm, xuống 110,42 điểm.
Toàn sàn HoSE chỉ có 98 mã tăng, 27 mã đứng giá, trong khi có tới 370 mã giảm. HNX ghi nhận 196 mã giảm, 30 mã tăng và 31 mã đứng giá. Sàn UpCom có đến 210 mã giảm giá và chỉ 93 mã tăng.
Thanh khoản phiên sáng nay, 18-4, có phần tăng nhẹ so với các phiên trước, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 17.000 tỉ đồng.
Sức bán vào cuối phiên mạnh hơn so với thời điểm mở cửa giao dịch. Thị trường ghi nhận hiện tượng “sale off” (bán ra ồ ạt) trong toàn phiên sáng nay.
Đáng lưu ý, nhóm VN30 với các mã ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng giảm rất mạnh. Thậm chí, các mã trụ đỡ thị trường như nhóm đầu tư công, bất động sản công nghiệp, như FCN, HBC, CTD…, cũng bị “đạp sàn” mạnh.
Trước hiện tượng “sale off” quá nhanh và mạnh trên thị trường sáng nay, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lý giải nguyên nhân là do nhiều công ty phát hành trái phiếu hay ngân hàng mua trái phiếu đã bị “vạ lây” vì các vụ việc tiêu cực liên quan trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Bên cạnh đó, thông điệp siết tín dụng bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán, kéo theo một số mã liên quan bị bán tháo. Chưa kể, một số công ty chứng khoán vừa bị “bêu” tên vì liên quan đến tư vấn hoặc làm đại lý lưu ký trái phiếu đang có dấu hiệu hạn chế margin (vay tiền công ty chứng khoán), khiến dòng tiền bị rút đi trong ngắn hạn.
Đáng chú ý, tâm lý nhà đầu tư bi quan thái quá trước các vụ việc tiêu cực và tin đồn liên quan thị trường chứng khoán là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến các mã nhóm ngành bất động sản bị bán tháo ồ ạt.
Tuy vậy, vẫn có một số nhóm ngành tăng trần, hút tiền mạnh như: dệt may, tiêu dùng, thủy sản, phân bón, hóa chất…