BVR&MT – Lễ cầu an, cầu phúc của đồng bào Tày lưu giữ những tình cảm tốt đẹp, cùng nhau gắn bó, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống, thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên; biểu đạt ước vọng trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, yên bình… Đây là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian quan trọng của đồng bào Tày, tỉnh Thái Nguyên.
Lễ cầu an, cầu phúc của người Tày đã được các chủ thể văn hoá đến từ xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên giới thiệu với công chúng Thủ đô. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, diễn ra từ ngày 16 – 19/4.
Nghi lễ này được tổ chức vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm… Sinh hoạt văn hóa dân gian này có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào Tày, tỉnh Thái Nguyên và vùng cao phía Bắc.
Lễ Cầu an của người Tày trước kia thường tổ chức khi đêm xuống và làm trọn một đêm, nhưng ngày nay, nghi lễ này đã chuyển sang ngày, cũng là do điều chỉnh theo sinh hoạt thường nhật, theo nhu cầu của gia chủ. Việc thực hiện vào ban ngày giúp đảm bảo sức khỏe cho gia chủ và thầy cúng.
Với người Tày, lễ Cầu an là một nghi lễ hết sức quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi thì sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy… Không giống với nghi thức Lễ hội Lồng tồng, Lễ cầu an, cầu phúc thay bằng không gian ngoài trời thì nghi lễ được tổ chức tại không gian trong nhà, tại gia đình của chủ nhà.
Mặc dù gia chủ có thể không mời hoặc mời rất ít, chủ yếu là anh em trong nhà song khi làm lễ, bà con trong bản lại thường đến rất đông, việc góp mặt của bà con trong bản chính là thể hiện sự quan tâm chia sẻ giữa con người với con người.
Để tiến hành nghi lễ quan trọng của gia đình, ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình phân công nhau mỗi người một việc để cùng chuẩn bị các vật phẩm dâng lễ. Lễ gồm 3 loại: Lễ tam sinh gồm: Gà, lợn quay, vịt; Lễ chay gồm các loại như: bánh dầy, bánh dợm, bánh ngải, bánh chè lam; Thanh bông hoa quả gồm hoa, quả chuối…. Các lễ vật được sắp xếp trên ban thờ tam cấp và bày biện cầu kỳ. Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, đến giờ làm lễ, chủ nhà sẽ đón thầy cúng vào nhà để thực hiện phần nghi lễ. Trong khi thầy cúng chuẩn bị thực hiện cúng, các thành viên trong gia đình sẽ tập hợp đầy đủ ngồi phía sau để thể hiện sự thành kính.
Trong nghi lễ Cầu an, cầu phúc tùy thuộc thầy là dòng Pựt, Then hay Mo… thì nhạc cụ thực hiện và bài cúng cũng theo dòng đó. Cũng có những thầy sẽ thực hiện được cả 3 phần Pựt, Then, Mo. Ở mỗi phần sẽ có những nội dung khác nhau, ta có thể cảm nhận được rõ rệt sự có mặt của các đấng siêu nhiên, cảm nhận được từng trường đoạn với những khúc tấu khi thủ thỉ lúc hào sảng của ông thầy.
Nghi thức lễ Cầu an khá cầu kỳ phải là thầy cao tay mới có thể thực hiện được đủ các phần Pựt, Then, Mo. Tại Lễ Cầu an có Nàng Hương (Chậu Slay), chàng Khóa. Trước kia, Chậu slay hay còn gọi là Nàng Hương, người sẽ giúp lễ thầy, phải luôn là người thùy mỵ, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng (nhằng slao). Nàng Hương trước khi mở lễ sẽ là người được chọn để đi lấy Bjoóc khảo quang (hoa quế rừng) để thầy làm lễ.
Khi xem các thầy thực hiện lễ Cầu an, người xem sẽ có hai sự cảm nhận trong không gian nhà sàn, đó vừa là không gian của văn hóa tâm linh, vừa là không gian nghệ thuật của một tộc người với đầy đủ các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh.
Về không gian diễn xướng tâm linh có sự phân biệt rõ ràng: Nả nưa (phía trên bếp lửa, đối diện chạn bát, thường là trước ban thờ) là nơi thầy, người phụ lễ (chậu slay/Nàng hương) và chủ nhà thực hiện nghi lễ. Còn Nả khoang (phía trái và phải lấy bếp làm trung tâm) là dành cho anh em họ hàng, bà con thôn bản đến dự. Nả tẩu (Phía dưới, đối diện với nả nưa) là nơi của chị em, đàn bà con gái. Không gian ấy được phân chia theo trật tự rõ ràng, chỉ cần nhìn vào đó có thể nhận biết vai trò, vị thế của từng người.
Lễ Cầu an của đồng bào Tày là một trong những nét văn hoá đặc sắc còn giữ lại được trong đời sống tinh thần và phát triển cao trên cơ sở nền tảng tâm linh và nghệ thuật diễn xướng. Đó cũng chính là lý do để mỗi khi Tết đến xuân về, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị mở và dự lễ Cầu an với một niềm thành kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm mới an bình, no ấm./.