BVR&MT – Nông nghiệp giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô, tuy nhiên, thực tế sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, trong Luật Thủ đô sửa đổi, TP cần ban hành chính sách, cơ chế riêng cho ngành nông nghiệp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.
Sản xuất còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: “Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong khi đó, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy xác định “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”.
Tuy nhiên, trong Luật Thủ đô 2012 chưa có quy định về chính sách dành riêng cho nông nghiệp, nông thôn; trong khi Luật Đất đai còn nhiều hạn chế về tích tụ, tập trung đất đai; Luật Hợp tác xã còn có những bất cập, chưa thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể.
Thực tiễn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của kinh tế Hà Nội. Với gần 50% dân số sống ở vùng ngoại thành, sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 50 – 60% nhu cầu lương thực – thực phẩm cho TP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp Thủ đô được tiêu thụ trên cả nước và xuất khẩu đi các nước. Hà Nội còn có vai trò chủ đạo trong vùng Thủ đô với 10 tỉnh, TP, quy mô không gian 24.000 km2, 20 triệu dân số phần lớn sống ở khu vực nông thôn. Với kinh tế nông nghiệp là chính, do vậy nông nghiệp Thủ đô có ý nghĩa hạt nhân, là động lực lan tỏa trong vùng và toàn quốc.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội còn tồn tại không ít hạn chế. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao, đầu tư sản xuất chưa đúng hướng; cơ cấu sản xuất còn chưa bền vững, chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên của TP, phục vụ các vấn đề của đô thị như (úng ngập, điều hòa không khí, chống phát thải ô nhiễm khói bụi do đốt phụ phẩm nông nghiệp).
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao còn rất khiêm tốn; hạ tầng kinh tế – kỹ thuật cho nông nghiệp còn nhiều yếu kém. Từ đó, khiến cho điều kiện sống ở khu vực nông thôn còn có khoảng cách với thành thị. Việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường còn bất cập.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của ngành nông nghiệp, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất trên địa bàn TP còn khó khăn, bất cập. Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất không sản xuất có chiều hướng gia tăng dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp còn gặp nhiều rào cản về chính sách, pháp luật đất đai, quy hoạch, kinh tế tập thể…
Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô về nhân lực, khoa học công nghệ, vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đề xuất cần có cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác; tích tụ, tập trung đất đai, huy động góp vốn bằng đất nông nghiệp vào các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái (cho thuê đất qua ngân hàng đất đai hoặc ngân hàng quỹ đất, góp phần cân bằng đất nông nghiệp).
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây trồng, sinh vật cảnh, thủy sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để hình thành cơ sở sản xuất giống cung cấp cho sản xuất của TP cũng như cung cấp cho các tỉnh.
Mặt khác, chính sách dự thảo cũng đề xuất TP được ban hành quy định khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, sinh thái (hỗ trợ kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng; hệ thống điện; xử lý môi trường); hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu đối với hợp tác xã, DN sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hợp tác xã, DN, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao.
Theo PGS.TS Phạm Thị Mỹ Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông nghiệp, Hà Nội cần phải xây dựng nông nghiệp theo hướng sinh thái. Tuy nhiên nông nghiệp sinh thái của Thủ đô phải mang bản sắc riêng, không chung chung giống các địa phương khác. “Thực tế thời gian qua vấn đề nông nghiệp sinh thái đã được Hà Nội nói đến nhiều lần, bao gồm nhiều khía cạnh như VietGAP, hữu cơ… Tuy nhiên, bây giờ phải nâng cao hơn, sinh thái phải gắn với tuần hoàn” – PGS.TS Phạm Thị Mỹ Dung nêu ý kiến.
Cũng theo PGS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Hà Nội đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp trở thành trung tâm sản xuất giống cho cả nước là quá lớn. TP nên chọn một vài sản phẩm thế mạnh để tập trung phát triển. Bên cạnh đó, nông nghiệp Thủ đô không nên kỳ vọng vào quy mô lớn, bởi quỹ đất của Hà Nội không còn nhiều. Vấn đề ở đây là phải nâng cao hiệu quả sử dụng/ha đất thông qua việc ứng dụng công nghệ.
Đứng ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng kiến nghị, việc ban hành chính sách phải hướng đến người dân, để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, các chính sách cần nêu mức hỗ trợ cụ thể bao nhiêu để địa phương dễ dàng triển khai. Đối với các nguồn vốn vay, bên cạnh lãi suất ưu đãi cũng cần cơ chế thủ tục đơn giản để người dân nhanh chóng được tiếp cận. Về hỗ trợ đầu tư hạ tầng nên chọn đầu tư trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là giao thông thủy lợi nội đồng.
Đưa ra góp ý phát triển nông nghiệp Thủ đô, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Bộ NN&PTNT cho rằng, nhà hoạch định chính sách phải hình dung nông nghiệp đô thị Hà Nội như thế nào trong tương lai, từ đó có các chính sách ưu tiên. Theo đó, nông nghiệp của Thủ đô phải là nông nghiệp sinh thái tiệm cận đô thị. Và muốn đạt được mục tiêu này cần phải tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi. Đặc biệt, phải xây dựng nền nông nghiệp tiết kiệm đất.