BVR&MT – Chiều 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức thả 1 triệu con giống thủy sản xuống sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc), đồng thời phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2022.
Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, tỉnh có 72km bờ biển và 3 sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Đáy và sông Ninh Cơ; có hơn 17.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 175.570 tấn, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 11.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 31% tỷ trọng cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản tăng 6,7% so năm 2020.
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Nam Định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở những khu vực cấm hay sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Để tăng cường công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, lực lượng thanh tra chuyên ngành tỉnh Nam Định đã kiểm tra, xử lý nhiều tàu cá vi phạm, phạt tiền hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, có giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần có biện pháp cấp bách để hạn chế tình trạng khai thác quá mức, khai thác thủy hải sản bất hợp pháp nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, chính quyền địa phương, nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục hưởng ứng, có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản để hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển của con giống cũng như chất lượng sản phẩm thủy sản.