BVR&MT – Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân chấp hành đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ chính là “cầu nối” giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở các địa phương miền núi.
Nhiều năm nay, già làng Sâu Zuôn Nam (63 tuổi) là người luôn đi đầu trong mọi hoạt động ở làng Kà Xim (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh). Với sự sâu sát, gần gũi, thân thiện, già Nam đã dành trọn tâm huyết để tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Chăm, Bana ở địa phương chăm chỉ lao động sản xuất, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống văn hóa mới.
Già Sâu Zuôn Nam chia sẻ: “Để dân hiểu, dân tin và làm theo những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì bản thân mình và gia đình phải thật sự gương mẫu. Mình phải không rượu chè bê tha, không cờ bạc, không đi phá rừng, biết chăm lo cho cuộc sống gia đình, giáo dục con cháu, nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế”.
Từ sự sâu sát, gần gũi, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của dân làng, già làng Sâu Zuôn Nam biết được những cái người dân cần, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ. Chuyển biến tích cực nhất của người dân làng Kà Xim là đã từng bước ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt.
Tương tự, già làng Đinh Phik (69 tuổi), người có uy tín ở làng 6 (xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) được bà con xem như “thủ lĩnh tinh thần” trong mọi hoạt động. Không chỉ là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, già Phik còn đứng ra hòa giải, giải quyết hầu hết các vụ việc bất hòa, khiếu kiện ở địa phương.
Già Đinh Phik bộc bạch: “Mình được bà con tín nhiệm, được Đảng và Nhà nước tin tưởng nên phải thật sự là tấm gương sáng trong làng. Muốn làm tốt trách nhiệm thì phải luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của bà con. Hộ gia đình nào, người nào có mâu thuẫn, tranh chấp hay vấn đề bức xúc mình phải trực tiếp đến tìm hiểu và giải thích, giáo dục, thuyết phục ngay. Có như vậy thì làng mới yên ổn, người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế khá giả”.
Nhờ sự tích cực của già Đinh Phik, liên tục nhiều năm liền trên địa bàn làng 6, xã Vĩnh Thuận không xảy ra các vụ cãi vã, đánh nhau, không có hiện tượng tảo hôn; nạn mê tín dị đoan, các hủ tục được đẩy lùi.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2011 đến nay, công tác rà soát, lập danh sách, bình chọn bổ sung người có uy tín được các địa phương trong tỉnh thực hiện khách quan, dân chủ theo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 122 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Hằng năm, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ người có uy tín, các già làng. Định kỳ đưa các già làng, người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh. Đồng thời, cung cấp thường xuyên các báo, tạp chí, tổ chức gặp mặt tôn vinh, thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết…
Theo ông Lung, đội ngũ những người có uy tín, các già làng chính là hạt nhân quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số; họ chính là nhịp cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và ngược lại. Năm 2022 này, UBND tỉnh đã phân bổ 620 triệu đồng để thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín.
Toàn tỉnh có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 41.768 người, chiếm 2,81% dân số cả tỉnh. Trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời gồm: Bana 21.650 người (chiếm 51,86%), H’re có 11.112 người (chiếm 26,6%), Chăm có 6.364 người (chiếm 15,2%). Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, làng thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát. |