BVR&MT – Chiều 30/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã họp báo thông tin về triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được sớm nhất góp phần phục hồi thị trường lao động.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có vai trò quan trọng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Để thực hiện, hiện hiệu quả, trách nhiệm địa phương rất quan trọng, đồng thời có xác nhận qua cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an để tránh trục lợi. Việc hỗ trợ lao động thực chất là hỗ trợ doanh nghiệp và yêu cầu làm nhanh thủ tục”.
“Từ ngày mai (31/3), Bộ LĐTBXH sẽ có hướng dẫn văn bản chi tiết tới các Sở LĐTBXH tại các địa bàn triển khai để đưa chính sách này với thủ tục đơn giản, rút gọn nhất để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay người lao động đang thuê nhà trọ, hoặc góp phần tạo động lực để người lao động sớm gia nhập thị trường lao động”, ông Lê Văn Thanh cho biết.
Theo Bộ LĐTBXH, trong hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế và xã hội, tác động đa chiều và để lại hậu quả lâu dài đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVIDd-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Năm 2021 được kỳ vọng là năm của sự phục hồi nhưng sự bùng phát phức tạp của đợt dịch thứ 4 từ 27/4/2021 đến nay đã phá vỡ kỳ vọng đó, thậm chí còn tác động đến thị trường lao động nghiêm trọng hơn so với những hậu quả của dịch bệnh mà năm 2020 đã trải qua. Đặc biệt trong quý III và quý IV/2021, có tương ứng 28,2 triệu và 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng, trong đó 2,3 triệu người bị mất việc; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Hầu hết những đối tượng bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.
Nhìn chung năm 2021, cung – cầu lao động của thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng: Nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh, xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn và cuối cùng, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Đã có 2 đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 (cuối tháng 7 đầu tháng 8; đầu tháng 10) do tâm lý e sợ dịch COVID-19, không có việc làm, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam nên có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phục hồi phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng trình tự thủ tục rút gọn.
Theo đó có hai nhóm đối tượng lao động được nhận hỗ trợ gồm: Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Cụ thể, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022; Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Còn với việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.
Người lao dộng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Mức hỗ trợ áp dụng cho đối tượng này là 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết: “Chính sách này rất kịp thời để giúp người lao động ổn định, phục hồi thị trường lao động. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng rất lưu ý về thủ tục xin xác nhận bởi nhiều chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương, nhóm công nhân thuê nhà trọ chỉ có 1 người đại diện thuê nên việc lấy chữ ký xác nhận sẽ có chỗ triển khai chậm, chỗ triển khai nhanh nên cơ quan quản lý như Bộ và Sở LĐTBXH cần tăng cường giám sát”.
“Về phía Tổng Liên đoàn lao động cũng sẽ việc chi trả bởi tiền hỗ trợ này sẽ chuyển từ ngân sách sang tài khoản chủ sử dụng lao động rồi mới chuyển tới người lao động. Do đó, công đoàn sẽ phối hợp với đơn vị hữu quan để chuyển tới người lao động theo quy định là 2 ngày hoặc sớm hơn” ông Lê Đình Quảng cho biết.
Theo Bộ LĐTBXH, nguồn ngân sách chi cho việc hỗ trợ này là 6.600 tỷ đồng với khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng.