BVR&MT – Các kế hoạch từ bỏ dầu khí Nga của Liên minh Châu Âu (EU) có thể đẩy lượng phát thải khí nhà kính lên mức cao hơn nếu các quốc gia chậm quá trình loại bỏ than đá và gắn bó với khí thiên nhiên hóa lỏng.
EU vật lộn với khủng hoảng năng lượng
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều động quân đội tiến công vào Ukraine hồi cuối tháng 2, ông đã làm đảo lộn hệ thống năng lượng của các quốc gia đang gián tiếp chi viện cho cuộc chiến này.
Bốn trong số các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới hứa sẽ rút khỏi Nga, từ bỏ khối tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD. Đức, khách hàng lớn nhất của Nga, đã dừng một đường ống sẵn sàng vận hành để dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga, trong khi Anh cho biết sẽ ngừng thu mua dầu của Nga. Liên minh Châu Âu (EU) công bố kế hoạch cắt giảm 80% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm 2022 và toàn bộ phần còn lại, bao gồm than và dầu, vào năm 2027.
Bà Maria Pastukhova, chuyên gia Chuyển dịch năng lượng của Tổ chức khí hậu E3G cho biết: “Hiện thị trường năng lượng đang trong cuộc khủng hoảng giá cả và nguồn cung sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi không biết điều này sẽ chuyển biến như thế nào trong tương lai”.
Mối lo sự trở lại của than đá
Nỗ lực điên cuồng của EU nhằm chống lại sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng đồng thời cũng buộc họ tiếp tục duy trình nhiên liệu than đá – loại nhiên liệu các nước này đang loại bỏ dần để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng cao hơn.
Báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng bất kỳ sự trì hoãn nào trong hành động khí hậu sẽ bỏ lỡ “cánh cửa tươi sáng cho những cơ hội, lời cam kết cho một tương lai bền vững và đáng sống hơn cho tất cả mọi người.”
Trong vòng hai tuần kể từ khi Nga chính thức tiến vào lãnh thổ Ukraina, EU đã công bố kế hoạch lắp đặt các tuabin gió, tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt công suất lớn nhất kể từ trước đến nay. Đức cam kết chi 200 tỷ Euro để giảm phát thải cacbon vào năm 2035. Nhưng nền kinh tế lớn nhất khối EU này cũng hứa sẽ xây dựng thêm hai nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng như một phần của nỗ lực của lục địa nhằm thay thế khí đốt của Nga bằng nhiên liệu hóa thạch được vận chuyển từ nơi khác đến. Giá khí đốt cao ngất trời và lo ngại rằng chính quyền Putin có thể đột ngột ngừng cung cấp đang đi cùng với mối lo sự trở lại của than đá – loại nhiên liệu mà từ lâu các nhà lãnh đạo đã cam kết loại bỏ vì tính nguy hại môi trường cao.
Bà Hannah Daly, chuyên gia Năng lượng bền vững, Đại học College Cork (Ireland), nhận định: “Cuộc chiến này là cơ hội xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách nhanh chóng. Nhưng cũng có những tín hiệu nguy hiểm cho thấy các chính sách có thể sẽ phản tác dụng.”
Nguồn cung nhiên liệu thay thế Nga
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Kể từ khi bắt đầu cuộc tiến công, Điện Kremlin đã bán cho EU hơn 11 tỷ Euro nhiên liệu khí đốt để sưởi ấm nhà cửa, cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông và sản xuất điện.
Bài toán cho các nhà hoạch định chính sách EU là làm sao đảm bảo đủ nhiên liệu cho mùa đông tới nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Ông Georg Zachmann, chuyên gia khí hậu của Viện nghiên cứu Kinh tế Bruegel (Bỉ), nhận định: Nếu lệnh cấm vận sắp diễn ra hoặc Nga cắt giảm khí đốt, thì EU sẽ đốt nhiều than đá hơn và lượng phát thải khí nhà kính sẽ cao hơn trong ngắn hạn. Nhưng nếu EU nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng máy bơm nhiệt, EU sẽ vượt qua quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhanh hơn kế hoạch ban đầu.
EU đã đưa ra một chiến lược nước đôi nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ ông Putin: Chi các khoản đầu tư xanh song song với việc hoán đổi khí đốt của Nga lấy nhiên liệu từ các quốc gia khác. EU đã có kế hoạch vận chuyển 50 tỷ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi năm từ các nước như Qatar, Ai Cập và Mỹ. EU cũng muốn lấy thêm 10 tỷ mét khối từ đường ống nối với các nước như Azerbaijan, Algeria và Na Uy.
Khác với dầu, khí thiên nhiên nhiên hóa lỏng không thể vận chuyển giá rẻ ở trạng thái tự nhiên đi khắp thế giới mà phải được vận chuyển qua hệ thống đường ống riêng biệt hoặc làm lạnh xuống nhiệt độ cực thấp để vận chuyển ở dạng lỏng trên các tàu chở dầu chuyên dụng.
Tuy nhiên, việc xây dựng các bến cảng mới để tiếp nhận các lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng, như Đức dự định làm ở bờ biển phía bắc nước này vào năm 2026, có nguy cơ làm gia tăng sự phụ thuộc vào loại nhiên liệu mà nước này đang nỗ lực từ bỏ cho mục tiêu khí hậu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các nhà ga này sau đó sẽ được tái sử dụng để tiếp nhận các lô hàng hydro – loại nhiên liệu được sản xuất sạch từ các nguồn tái tạo – tuy nhiên các chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ tính khả thi về mặt kỹ thuật của phương án này.
EU nỗ lực cắt giảm nhu cầu khí đốt
Hơn 1/3 kế hoạch tiết kiệm khí đốt của EU trong năm nay đến từ các chính sách cắt giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch – xây dựng nhiều hệ thống pin năng lượng mặt trời và tuabin gió, nhân rộng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng máy bơm nhiệt để sưởi ấm. Theo lộ trình, tỷ trọng này sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Jan Rosenow, Giám đốc Chương trình Châu Âu của Dự án Hỗ trợ Điều tiết (RAP) – một tổ chức toàn cầu của các chuyên gia năng lượng hoạt động nhằm khử cacbon trong ngành điện – những con số này “hoàn toàn vô nghĩa” trừ khi chúng được củng cố bằng những thay đổi rõ rệt trong thực tế. Các hành động cụ thể nên bao gồm một cuộc đại tu các quy trình cấp phép cho năng lượng tái tạo, chuyển đổi hạ tầng từ nồi hơi khí sang máy bơm nhiệt và một chiến dịch truyền thông công khai hướng tới tiết kiệm năng lượng tại hộ gia đình.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA), máy sưởi ở các gia đình châu Âu thường được đặt ở mức hơn 22 độ C, trong khi giảm xuống 1 độ C sẽ giúp giảm nhu cầu khí đốt xuống 7%. Giảm thêm một vài độ – và mặc thêm áo khoác và đi dép – có thể tiết kiệm rất nhiều khí đốt.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lãnh đạo EU phần lớn vẫn tránh nói về điều này. “Tôi hiểu tại sao họ không làm vậy. Yêu cầu mọi người bình ổn mức tiêu thụ của họ là một nhà chính trị tệ hại, ngay cả ở EU giàu có và tương đối an toàn.” – Ông Noah Gordon, chuyên gia khí hậu của Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nói.
Hiện một số ít chính trị gia đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi thói quen sử dụng năng lượng mang tính cá nhân.
“Nếu bạn muốn làm tổn thương ông Putin một chút thì hãy tiết kiệm năng lượng” – Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck nói.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen phát biểu trên đài truyền hình công cộng ZDF, Đức: “Tất cả chúng ta đều có thể góp phần trở nên độc lập khỏi khí đốt của Nga, không cần đến nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là tiết kiệm năng lượng.”
Ông Josep Borrell, quan chức đối ngoại hàng đầu của EU, đã đề cập đến sự cần thiết phải điều chỉnh nhiệt độ trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu: “Công dân châu Âu cần giảm nhiệt trong mỗi ngôi nhà.”
Nhiều chuyên gia được phỏng vấn cũng nhấn mạnh rằng các hành động cá nhân cần được khuyến khích như một phần của quá trình thay đổi cấu trúc năng lượng sưởi ấm nhà cửa và tạo ra điện của lục địa này.
Tuy nhiên, ông Peter Hauk, quan chức bang Baden-Wurttemberg, Đức cũng vướng phải chỉ trích khi đề nghị người dân hạ nhiệt độ máy sưởi để nước này có thể sớm cự tuyệt năng lượng Nga. “Chỉ cần mặc thêm áo len, chúng ta đều có thể chịu được mức nhiệt 15 độ trong phòng. Nhiệt độ như vậy không làm ai chết được”, ông Peter Hauk nói hồi tuần trước.
Phát biểu của ông Hauk sau đó hứng chỉ trích mạnh mẽ từ người dân, đặc biệt là Hiệp hội Người thuê nhà Đức, cáo buộc ông không hiểu gì về người cao tuổi và người làm việc tại nhà. Hiệp hội chỉ trích lời khuyên hạ nhiệt độ máy sưởi và mặc thêm áo len trong nhà có thể khiến người dân đổ bệnh trong những tháng mùa đông.
Theo bà Pastukhova, Tổ chức Khí hậu E3G, các kế hoạch mới nhằm tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, lắp đặt máy bơm nhiệt và cách nhiệt cho các tòa nhà “đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn nhiều.” Đây chính là bài học mà Châu Âu phải thích ứng trong chặng đường khó khăn phía trước.
Minh Trung (Theo DW)