BVR&MT – Theo nghiên cứu mới đây, rừng trên thế giới đã và đang đóng một vai trò lớn hơn và phức tạp hơn nhiều trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu so với những đánh giá trước kia. Không chỉ là “lá phổi xanh” giúp lưu trữ và hấp thụ carbon, rừng còn giúp giữ cho không khí mát và ẩm do cách chúng chuyển hóa giữa năng lượng và nước.
Các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Colombia phát hiện ra rằng, tổng thể các khu rừng đang giữ cho hành tinh mát hơn ít nhất một nửa độ C khi chúng chuyển hóa các tác động lý sinh (từ các hợp chất hóa học đến sự hỗn loạn và phản xạ ánh sáng) được kết hợp với CO2. Tuy nhiên lợi ích làm mát và điều hòa của các khu rừng trên thế giới có sự khác nhau.
Theo đó, các dải rừng mưa nhiệt đới trải dài khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Phi và Đông Nam Á tạo ra nhiều lợi ích nhất cho khu vực và toàn cầu. Ở các vùng nhiệt đới – từ Brazil và Guatemala đến Chad, Cameroon và Indonesia – hiệu quả làm mát là hơn một độ. Nói tóm lại, trong khi tất cả các khu rừng đều mang lại nhiều lợi ích, thì một số khu rừng quan trọng hơn những khu rừng khác trong việc giữ cho khí hậu ổn định.
Louis Verchot, nhà khoa học chính tại Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và đồng tác giả của nghiên cứu những ảnh hưởng chưa từng thấy của việc phá rừng cho hay: “Rừng là chìa khóa để giảm nhẹ, nhưng cũng là yếu tố thích ứng biến đổi khí hậu. Phá rừng có tác động tàn phá đến đa dạng sinh học, an ninh lương thực và sự nóng lên toàn cầu. Một báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc mà nhân loại phải đối mặt với nhiệt độ tăng cao”.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change cho thấy rằng rừng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và thích ứng, làm mát không khí và bảo vệ chúng ta khỏi hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt do tác động của khí hậu. Các khu rừng thải ra các hóa chất được gọi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi sinh học (BVOC), tạo ra các tầng khí phản xạ năng lượng ra ngoài không gian và tạo thành các đám mây hơi nước – cả hai đều có tác dụng làm mát. Bên cạnh đó với bộ rễ sâu để sử dụng nước hiệu quả cùng độ nhám của tán cũng cho phép rừng giảm thiểu tác động của nắng nóng khắc nghiệt.
Những “phẩm chất” này cho phép cây cối trong rừng di chuyển nhiệt và độ ẩm ra khỏi bề mặt Trái đất nơi chúng ta sinh sống, điều này trực tiếp làm mát khu vực địa phương và ảnh hưởng đến sự hình thành mây và lượng mưa – những thứ có sự phân tán rất xa. Ở các vùng nhiệt đới, nơi có tỷ lệ lưu trữ và hấp thụ cacbon của rừng cao nhất, các tác động lý sinh của rừng sẽ khuếch đại lợi ích của cacbon. Nói cách khác, phá rừng nhiệt đới ngay lập tức làm tăng nhiệt độ khắc nghiệt cục bộ và làm giảm lượng mưa khu vực, suy thoái cấu trúc tự nhiên và biến dạng hệ sinh thái.
Deborah Lawrence, giáo sư tại Đại học Virginia và là tác giả chính đề tài này khẳng định: “Các yếu tố lý sinh không làm nguội hành tinh, nhưng chúng thay đổi cách chúng ta trải nghiệm nhiệt và điều đó rất quan trọng. Rừng nhiệt đới là trung tâm của hành tinh và những khu rừng này rất quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta”.
Đồng quan điểm trên, Michael Coe, giám đốc chương trình vùng nhiệt đới tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Nếu không có rừng che phủ như hiện nay, hành tinh sẽ nóng hơn và thời tiết khắc nghiệt hơn. Rừng cung cấp cho chúng ta khả năng phòng thủ trước các tình huống xấu nhất về sự nóng lên toàn cầu ”.
Hậu Thạch (Theo Frontiers in Forest and Global Change)