BVR&MT – Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi được nhiều thôn, xã tại tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn. Phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành đang triển khai thực hiện Đề án du lịch cộng đồng. Theo Đề án, địa phương sẽ phát triển sản phẩm du lịch miệt vườn cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối, vườn tiêu kết hợp trải nghiệm tại nhà máy sản xuất bánh tráng, làng nghề trồng dâu nuôi tằm, homestay và các loại hình trò chơi tập thể như (tát cá, đu dây qua ao…), tham quan rừng sim tại núi Bé.
Để xây dựng Bình Thành trở thành điểm du lịch cộng đồng, các cấp, ngành, địa phương đã vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, cải tạo môi trường cảnh quan, trồng thêm hoa, giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm; chỉnh trang vườn cây ăn quả của các hộ dân, tập huấn kỹ năng nấu ăn cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Bình Thành cho biết, bà con rất ủng hộ việc xây dựng quê hương Bình Thành trở thành điểm du lịch cộng đồng. Chúng tôi tình nguyện đóng góp công, góp của để cải tạo cảnh quan, môi trường, đường làng ngõ xóm ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, người dân thôn Bình Thành đã đón những đợt khách đầu tiên tới tham quan, trong đó chủ yếu là các em học sinh, các nhóm gia đình đến để trải nghiệm vườn cây ăn quả, cho bé tập làm nông dân… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn cho bết: Để thôn Bình Thành được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng vào năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hành Nhân tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới, phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, hoàn thiện làng du lịch cộng đồng.
Xã Đức Tân (huyện Mộ Đức) chọn Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng để làm hạt nhân nhằm xây thôn 2 trở thành điểm du lịch cộng đồng. Từ khu lưu niệm, địa phương sẽ phát triển ra các vùng xung quanh để du khách được trải nghiệm không gian thanh bình với các sản phẩm du lịch nông nghiệp và sông nước. Chị Thới Thị Huệ ở thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: “Dù sống tại Quảng Ngãi nhưng đây là lần đầu tiên chị tới dâng hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng và trải nghiệm du lịch cộng đồng tại đây. Về đây, chúng tôi được chèo thuyền, câu cá dọc sông Thoa. Khung cảnh rất bình yên, trong lành, các con được trải nghiệm cuộc sống thôn quê, thưởng thức những món ăn dân dã”.
Thôn 2, xã Đức Tân bao gồm xóm Cây Gạo và xóm Thanh Thủy với 230 hộ dân. Thu nhập bình quân hiện nay đã đạt 42,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của xã. Xã Đức Tân đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao vào cuối năm 2023. Ông Trần Lê Vương Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Tân cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn 2 có nhiều thuận lợi như: người dân nhiệt tình ủng hộ; có Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nơi được nhiều du khách biết đến; nằm sát Quốc lộ 1A thuận lợi về mặt giao thông… Ủy ban nhân dân xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào các lợi thế sẵn có của địa phương để hình thành các tour du lịch trải nghiệm, du lịch xanh ngắn ngày.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phong trào xây dựng thôn, xã nông thôn mới kiểu mẫu kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng được nhiều địa phương tại Quảng Ngãi lựa chọn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả phong trào này, cơ quan chức năng cần định hướng, tư vấn hướng đi phù hợp cho người dân và chính quyền địa phương, tránh hình thức, tràn lan các loại hình dịch vụ không hiệu quả, làm chệch hướng, không như kỳ vọng ban đầu bởi phần lớn người dân nông thôn có rất ít kinh nghiệm trong việc tiếp cận du lịch.