BVR&MT – Rừng có vai trò rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu… Bởi vậy, thời gian qua Quảng Ninh luôn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, 70% trong 617.779ha đất tự nhiên của Quảng Ninh là diện tích rừng và đất lâm nghiệp, được phân bổ tại cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Tổng diện tích đất rừng sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 422.937ha; trong đó có hơn 29.800ha rừng đặc dụng, trên 133.000ha rừng phòng hộ, gần 260.000ha rừng sản xuất.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn, bộ máy quản lý lĩnh vực lâm nghiệp được tỉnh quan tâm, củng cố, kiện toàn. Hiện Quảng Ninh có Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở NN&PTNT thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về lâm nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh. Chi cục này có 7 đơn vị trực thuộc, gồm: 13 hạt kiểm lâm, 2 đội kiểm lâm cơ động và PCCR, 1 BQL rừng phòng hộ Yên Lập, 1 BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Các đơn vị được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng theo quy định của pháp luật, đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về rừng.
Cùng với đó, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có chính sách đặc thù của địa phương trong lĩnh vực lâm nghiệp, giao và chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, tỉnh còn ký kết chương trình hợp tác với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; trong đó có chỉ đạo không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trừ các dự án phục vụ cho mục đích QP-AN, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định.
Các địa phương, sở, ngành liên quan cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về bảo vệ rừng; giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác này. Các sở, ban, ngành còn phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương rà soát việc chấp hành pháp luật của các dự án, công trình trước khi đề nghị thẩm quyền chấp thuận phương án trồng rừng thay thế, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 74 dự án được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích gần 869 ha rừng.
Các sở, ngành, địa phương liên quan còn chú trọng thẩm định, phê duyệt báo cáo công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, liên quan tới rừng. Chủ dự án phải thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng và môi trường sống của người dân xung quanh dự án.
Qua kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cho thấy, các công ty lâm nghiệp sử dụng quỹ đất lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao; việc giao đất cho nông, lâm trường, ban quản lý rừng trước đây còn tình trạng chồng chéo vào diện tích của các tổ chức, hộ gia đình đang sử dụng từ trước nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; một số đơn vị thực hiện trách nhiệm quản lý đất rừng được giao chưa tốt dẫn đến tình trạng một số hộ dân lấn chiếm đất sản xuất. Từ đầu năm 2021 đến nay, có 20 dự án đã được UBND các cấp trên địa bàn tỉnh rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật, qua đó đã xử lý một số dự án vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng… với tổng số tiền thu nộp ngân sách 1,057 tỷ đồng.
Việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng của các địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh được 12.836ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 615,648m3. Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là các địa bàn trọng điểm như Ba Chẽ, Tiên Yên và khu vực vùng cao của TP Hạ Long, hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu hết năm 2022 trồng mới ít nhất 2.000 ha lim, giổi, lát bản địa.