BVR&MT – Đến huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đâu đâu cũng gặp quế. Cây quế dường như đi vào không chỉ đời sống vật chất, mà còn gắn bó với cuộc sống tinh thần của người dân nơi đây. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ quế trên thị trường ngày càng cao, đã giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Văn Yên có của ăn của để. Từ tiền đề đó, huyện đang triển khai nhân rộng mô hình quế hữu cơ, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ loại dược liệu quý này.
Làm giàu từ quế sạch
Huyện Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế, với diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước. Diện tích cây quế trên 50.000 ha, tổng sản lượng vỏ quế khai thác hàng năm đạt trên 6.500 tấn, lá quế trung bình 65.000 tấn/năm, gỗ quế đạt 50.800 m3/năm, chế biến chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn/năm. Ngoài ra, diện tích quế hữu cơ của Văn Yên là 25.000 ha, chiếm 63% tổng diện tích quế trên địa bàn.
Sở dĩ cây quế có giá trị kinh tế cao bởi nhiều hộ gia đình trồng quế theo hướng an toàn, hữu cơ, nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế; hơn nữa cây quế có thể tận dụng bán được từ vỏ đến thân, lá. Cũng theo người dân nơi đây, do diễn biến bất thường của dịch bệnh COVID-19, những tưởng giá thu mua quế sẽ giảm xuống nhưng nhu cầu của thị trường về quế khô, tinh dầu quế… tăng cao khiến quế cũng có giá trị hơn trước.
Thông thường, cây quế trồng từ 4 – 6 năm bắt đầu cho khai thác tỉa thưa, mỗi năm có 2 vụ khai thác, vụ tháng 3 và vụ tháng 8. Theo kinh nghiệm của đồng bào người Dao, đây là 2 thời điểm mà quế dễ bóc vỏ, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản.
Với diện tích 10ha quế, trong đó có 7ha đang thu hoạch, từ nhiều năm nay gia đình ông Bàn Văn Định, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây quế. Ông Định chia sẻ: Quế tươi bóc bán tại vườn dao động từ 27.000 – 30.000 đồng/kg, nếu là trước kia thì giá chỉ bằng nửa bây giờ. Nhờ cây quế mà gia đình ông thoát nghèo, thậm chí còn có cơ ngơi khang trang, đầy đủ.
Theo ông Triệu Toàn Phú, người dân tộc Dao ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, năm 2018, giá bán vỏ quế khô là 40.000 đồng/kg; năm nay, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, được một doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái. Vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình tỉa những cây đã to, bán vỏ quế được lợi nhuận 180 triệu đồng. Ông Triệu Toàn Phú cho biết thêm: “Trồng quế theo quy trình sạch, yêu cầu không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Cây quế cũng không được tưới nước mà phải dựa hoàn toàn vào nước mưa; phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm”.
Cũng giống như gia đình ông Triệu Toàn Phú, gia đình anh Phạm Văn Bắc, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên đã từ lâu không sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân bón. Toàn bộ diện tích 20ha quế, từ 3 – 20 năm tuổi gia đình anh chỉ phát cỏ, không bón phân tổng hợp. Theo anh do đất ở đây tốt nên mỗi khi trồng quế chỉ cần phát sạch cỏ rồi đốt, sau đó tiến hành trồng quế, cây quế cứ thế mà phát triển. Đối với quá trình khai thác, sau khi bóc quế từ trên đồi về thì phải phơi trên giàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế an toàn, hữu cơ sẽ có giá bán ổn định và cao hơn so với quế thường.
Nâng cao giá trị của cây quế
Trước đây, quế hầu như chỉ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng khi nhận thấy sức tiêu thụ trong nước tăng cao và thị trường châu Âu, Mỹ có nhu cầu mua sản phẩm quế lớn, giá mua cao hơn, các công ty Hương gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Vicimex… đã cùng người dân hình thành vùng trồng quế hữu cơ tại Văn Yên. Đến nay, các sản phẩm từ quế của huyện đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông Lò Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Trước đây, người dân sản xuất quế chủ yếu nhỏ lẻ, với diện tích cây quế toàn xã chỉ khoảng 300ha. Đến nay, có hơn 1.000 hộ, chiếm 94% số hộ toàn xã đã trồng trên 2.000ha quế, phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ năm 2018, huyện đã chỉ đạo, phối hợp với một số doanh nghiệp cùng tuyên truyền vận động nhân dân địa phương chuyển từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế tuân thủ quy trình sản xuất sạch, quế hữu cơ. Đến nay, khá nhiều hộ đã đăng ký tham gia mô hình trồng quế sạch để xuất khẩu ra nước ngoài. Cây quế không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, là “biểu tượng” kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Dao, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.
Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chủ động của bà con vùng cao nói chung, người Dao nói riêng, cây quế đã và đang thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Một minh chứng tiêu biểu cho điều đó là tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện (xét theo tiêu chí cũ) năm 2017 là 7.678 hộ (22,89%), đến năm 2022 chỉ còn 865 hộ (2,34%). Chỉ trong 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Văn Yên đã giảm gần 10 lần./.