BVR&MT – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ này.
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã quy định Tổng cục Môi trường có 18 tổ chức trực thuộc gồm 5 tổ chức tham mưu, tổng hợp và 7 cục chức năng, 6 tổ chức sự nghiệp công lập.
Cụ thể: 1. Vụ Chính sách và Pháp chế; 2. Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ; 3. Vụ Kế hoạch – Tài chính; 4. Vụ Tổ chức cán bộ; 5. Văn phòng; 6. Cục Bảo tồn đa dạng sinh học; 7. Cục Kiểm soát ô nhiễm; 8. Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (có Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy); 9. Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; 10. Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường; 11. Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên; 12. Cục Môi trường miền Nam; 13. Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường; 14. Trung tâm Quan trắc môi trường; 15. Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường; 16. Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường; 17. Tạp chí Môi trường; 18. Viện Khoa học môi trường.
Trên cơ sở đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng tổ chức trực thuộc. Đây chính là căn cứ pháp lý để các tổ chức đi vào hoạt động theo từng lĩnh vực chuyên môn được phân công. Hiện nay, Tổng cục Môi trường có tổng số 635 công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường như hiện tại là tương đối hợp lý, bao quát hầu hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nhằm tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án kiện toàn cơ cấu của Tổng cục Môi trường như sau: Chuyển đổi mô hình, tổ chức lại Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thành Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường. Việc chuyển đổi này nhằm tiếp tục thực hiện chính sách về tinh giản biên chế; giảm chi hành chính, trong đó có chi tiền lương, các khoản theo lương của số lượng biên chế giảm và phụ cấp lãnh đạo của 15 lãnh đạo cấp phòng; tập trung thu chi đối với phí thẩm định đánh giá tác động môi trường về một đầu mối, thuận tiện trong quản lý về thu chi ngân sách; giảm đầu mối xử lý hồ sơ cấp phép do thực hiện nhiệm vụ theo chế độ chuyên viên, chỉ đạo trực tiếp là Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo Vụ; giảm các khâu trung gian không cần thiết; nâng cao trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm trong thi hành công vụ, cụ thể, trong việc xử lý hồ sơ công việc, hồ sơ cấp phép thẩm định đánh giá tác động môi trường.
Tương tự, Bộ đề xuất chuyển đổi mô hình, tổ chức tại Cục Kiểm soát ô nhiễm thành Vụ Kiểm soát nguồn ô nhiễm; chuyển đổi mô hình, tổ chức lại Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường thành Vụ Quản lý chất thải. Bộ đề xuất đổi tên, tổ chức lại Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thành Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc để thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại miền Bắc; phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đổi tên, tổ chức lại Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên thành Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên. Đổi tên, tổ chức lại Cục Môi trường miền Nam thành Cục Bảo vệ môi trường miền Nam. Bộ đề xuất đổi tên, tổ chức lại Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thành Cục Quản lý chất lượng môi trường và Đa dạng sinh học. Đổi tên, tổ chức lại Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thành Trung tâm Triển khai công nghệ môi trường. Kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm quan trắc môi trường và Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường thành Trung tâm Quan trắc, Thông tin và Dữ liệu môi trường. Bộ đề xuất giải thể Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường để thành lập trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trực thuộc Bộ.
Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Tổng cục Môi trường có cơ cấu tổ chức gồm 12 tổ chức hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp như sau: 1. Văn phòng; 2. Vụ Tổ chức cán bộ; 3. Vụ Kế hoạch – Tài chính; 4. Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ; 5. Vụ Chính sách và Pháp chế; 6. Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; 7. Vụ Kiểm soát nguồn ô nhiễm; 8. Vụ Quản lý đất đai; 9. Cục Quản lý chất lượng môi trường và Đa dạng sinh học; 10. Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc; 11. Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên; 12. Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam; 13. Trung tâm Quan trắc, Thông tin và Dữ liệu môi trường (có Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Đông Nam Bộ, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Tây Nam Bộ); 14. Tạp chí Môi trường; 15. Viện Khoa học môi trường.