BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới về nguy cơ phơi nhiễm toàn cầu do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tổ chức Pure Earth thực hiện, khoảng 800 triệu trẻ em – tương đương 1/3 trẻ em trên thế giới, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình – đang đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm chì. Trong đó, riêng các nước Nam Á đã chiếm 1/2.
Ắc quy được tái chế sơ sài, rác điện tử, khai khoáng và các loại sơn là những nguyên nhân chính gây nhiễm độc.
“Số lượng xe cộ ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp 3 tính từ năm 200 trở lại đây nên tái chế ắc quy chứa axit chì tăng theo, chủ yếu theo cách không an toàn”, tiến sĩ Nicholas Rees – thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Khoảng 80% lượng chì trên thế giới được sử dụng để chế tạo ắc quy chứa axit chì và phần lớn bắt nguồn từ ắc quy ô tô tái chế.
“Hệ quả là khoảng một nửa số ắc quy chứa axit chì đã qua sử dụng bị đẩy sang nền kinh tế phi chính thức. Cách tái chế phi pháp và không theo quy cách thường là đập ắc quy, đổ axit và chì ra nền đất, dùng lò nung chảy chì gây ô nhiễm khói và bụi các khu vực xung quanh”, báo cáo chỉ rõ.
Các chuyên gia cho biết tính theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể thì trẻ em tiêu thụ lượng thực phẩm, chất lỏng và không khí gấp 5 lần người lớn.
“Có nghĩa là trẻ em hấp thụ nhiều độc tố thần kinh hơn nếu các chất này ngấm xuống đất, nước hoặc lan tỏa vào không khí”, báo cáo cảnh báo trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao do bộ não có thể bị tổn hại trước khi phát triển đầy đủ, gây ra những khuyết tật suốt đời về thần kinh, nhận thức và cả thể chất.
“Chì là độc tố thần kinh mạnh đến mức chỉ cần phơi nhiễm ở mức độ thấp cũng liên quan đến việc giảm IQ, giảm khả năng chú ý, thậm chí tiềm ẩn hành vi bạo lực hoặc tội phạm về sau này”.
Theo báo cáo, Ấn Độ là nước có số lượng trẻ em lớn nhất (hơn 250 triệu) có nồng độ chì trong máu vượt mức 5μg/1 dL – mức mà CDC Mỹ cho rằng đòi hỏi phải có hành động can thiệp.
Trẻ em sống gần hoặc tại khu vực tái chế ắc quy ở Ấn Độ bị phát hiện có nồng độ chì trong máu lên tới 190μg/1 dL, theo thông tin của tiến sĩ Dr. Abbas Mahdi, Trưởng khoa Hóa – Sinh thuộc Đại học y khoa King George ở bang Uttar Pradesh.
“Trẻ em cũng phơi nhiễm với chất độc từ một số gia vị và thảo dược có chứa chì để tạo màu và bảo quản”.
Nhóm tác giả cho biết các phát hiện trong báo cáo dựa chủ yếu vào dữ liệu từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington – cơ quan nắm giữ kết quả thử máu của hàng chục nghìn trẻ em trên khắp thế giới.
Nhật Anh (Theo BBC)