75 năm giữ màu xanh cho đất nước

BVR&MT – Chiều 1/12, tại Hội trường Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam (01/12/1945 – 01/12/2020).

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.

Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ ngành và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lâm nghiệp Việt Nam qua các thời kỳ.

Khai mạc lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đọc Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam.


Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đọc Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Cách đây 75 năm, sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh Nông, cũng trong ngày này ban hành Nghị định 01 về tổ chức Bộ Canh Nông, trong đó quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính là: “Làm các việc hành chính và chuyên môn về rừng rú, săn bắn”. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành và phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, công nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngành Lâm nghiệp đã bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả; khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của rừng cho phát triển kinh tế xã hội; đã hình thành và phát triển ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu mang lại giá trị cao,… từ đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng, cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước nói chung.

Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, ngành Lâm nghiệp đã đáp ứng đủ lâm sản để phát triển các ngành giao thông, xây dựng, bưu điện và thông tin liên lạc.

Nhiều cán bộ, công nhân viên ngành Lâm nghiệp đã tham gia chiến đấu tại các chiến trường, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến rừng chính là nơi “che bộ đội, vây quân thù”, góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng oanh liệt chống giặc ngoại xâm.

Cũng trong giai đoạn này, công tác vận động nhân dân trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng được Đảng, Bác Hồ quan tâm và triển khai trên diện rộng.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Tết trồng cây”, khuyến khích mọi người dân hăng hái thi đua trồng cây gây rừng, coi “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”. Đồng thời, mỗi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, không lãng phí nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng hơn 1,5 lần

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đoàn kết, phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và của nhân dân, trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng thêm 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng.

Chất lượng rừng trồng từng bước được cải thiện. Đến nay cả nước đã có hơn 600 ngàn ha rừng gỗ lớn, trên 200 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc dần khôi phục, phát triển rừng đã góp phần hạn chế xói mòn, lũ lụt vùng hạ lưu, sạt lở bờ biển, đê kè ven sông; hạn chế thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai.

Cùng với đó, đã hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước.

Trong những năm qua, giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp luôn giữ đà tăng trưởng cao và ổn định. Giai đoạn 1999 – 2009 tăng trưởng 2,85%/năm, giai đoạn 2010 – 2020 đạt 5,86 %/năm, gấp 5,6 lần so với giai đoạn 1990 – 2000 và hơn 2 lần so với giai đoạn 2000 – 2010.

Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai gây ra, nhưng giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 của Việt Nam đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 Thế giới.

Ngành Lâm nghiệp ngày càng thu hút nhiều lao động tham gia và đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

75 năm giữ màu xanh cho đất nước

Với những thành tích đã đạt được trong 75 năm qua, ngành Lâm nghiệp đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân, như Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1995), Danh hiệu Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Chương trình nghệ thuật tôn vinh 75 năm ngành Lâm nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong 75 năm qua; tri ân những người làm công tác lâm nghiệp qua các thời kỳ đã cống hiến hết mình cho sự phát triển, hun đúc nên truyền thống vẻ vang của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 với nhiều thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước phải rất nỗ lực để vượt qua nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Trong đó, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững với nhiều đối tác lớn. Các tiến bộ về nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam trong nhu cầu về sản phẩm gỗ và lâm sản của thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao, với các đòi hỏi đa dạng về mẫu mã, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp Việt Nam cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn:

Nhờ thực hiện chính sách hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng trở lại, nhưng chất lượng rừng tự nhiên còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng giữ đất, giữ nước, góp phần hạn chế sạt lở, lũ ống, lũ quét, chống chịu với các loại hình thiên tai khác.

Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng được quan tâm thực hiện, nhưng chất lượng nhiều quy hoạch còn thấp, chưa có kế hoạch triển khai quy hoạch hợp lý. Đồng thời, công tác điều tra, thống kê, phân loại rừng còn bất cập.

Công tác bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng song tình trạng phá rừng để lấy gỗ, khai thác lâm sản, lấy đất sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Tình trạng khai thác rừng non, gỗ nhỏ còn khá phổ biển. Đời sống người dân, đặc biệt là những người sống bằng nghề rừng còn nhiều khó khăn.

Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tiếp tục xác định rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước. Rừng vừa là yếu tố quan trọng bậc nhất của môi trường sinh thái, đóng góp vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp chủ chốt vào cam kết tự nguyện giảm phát thải của quốc gia.

“Do đó, phải xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng; phát triển nhanh và bền vững ngành Lâm nghiệp, từ đó đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh”, Phó Thủ tướng yêu cầu

Cụ thể, cần duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm giai đoạn 2021 – 2025 và duy trì ổn định đến năm 2030. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ: Đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23-25 tỷ USD vào năm 2030. Đến 2025 có 50% và đến 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hàng hóa hoặc các dịch vụ. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 43% vào năm 2030.

Những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Do đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Lâm nghiệp Việt Nam phải tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để đạt được nhiệm vụ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Lâm nghiệp cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể.

Trước hết phải tập trung tái cải cách ngành lâm nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, gắn với điều kiện phát triển của mỗi vùng miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Phải xây dựng ngành Lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù, hiện đại và sáng tạo; phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tập trung công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị, các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp và chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17 tháng 01 năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

“Ngành Lâm nghiệp phải chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới do Thủ tướng chính phủ phát động. Yêu cầu Bộ NN&PTNT tổ chức triển khai, sớm có chương trình hành động cụ thể để thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại và tự hào về truyền thống vẻ vang của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp trên khắp mọi miền đất nước.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, tập thể cán bộ, viên chức, các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động ngành Lâm nghiệp hôm nay sẽ phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, viết tiếp những trang sử mới, tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của ngành, góp phần phát triển đất nước ta mạnh mẽ hơn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.