BVR&MT – Khoảng 70% sản phẩm tươi sống bán ở Mỹ có dư lượng thuốc trừ sâu ngay cả sau khi được rửa sạch.
Phân tích hàng năm của Nhóm công tác môi trường (EWG) dựa trên dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy những sản phẩm có dư lượng cao nhất là dâu tây, rau chân vịt và cải xoăn trong khi quả bơ, ngô ngọt và dứa có dư lượng thấp nhất.
Riêng về cải xoăn, hơn 92% mẫu thử chứa dư lượng hai hoặc nhiều loại thuốc trừ sâu, thậm chí một mẫu đơn lẻ cải xoăn được canh tác theo quy chuẩn thông thường có thể chứa tới 18 loại thuốc trừ sâu.
Dacthal là loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất, được phát hiện trong gần 60% mẫu cải xoăn, hiện bị cấm ở châu Âu và bị Mỹ phân loại là chất gây ung thư cho người.
“Chúng tôi hiểu và ủng hộ mọi người ăn rau quả tốt cho sức khỏe như là một phần của chế độ ăn kiêng, bất kể là rau quả thông thường hay hữu cơ. Tuy nhiên, những gì chúng tôi cố gắng nêu bật trong cẩm nang Hướng dẫn người tiêu dùng – được xây dựng dựa trên bằng chứng trên cơ thể – cho thấy hỗn hợp thuốc trừ sâu có thể có tác dụng phụ”, Alexis Temkin, nhà độc học làm việc với EWG, cho biết.
Các loại thực phẩm khác trong danh sách “bẩn” gồm nho, anh đào, táo, cà chua và khoai tây. Ngược lại, danh sách “sạch” gồm bơ, hành tây và súp lơ.
Leonardo Trasande, chuyên gia y học môi trường thuộc Đại học New York khẳng định Báo cáo của EWG “rất đáng tôn trọng” và đã cung cấp thông tin cho những người tiêu dùng rau quả hữu cơ muốn biết nên ưu tiên những loại nào.
Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, song các nhà khoa học cho biết rất khó để xác định có bao nhiêu loại thuốc trừ sâu mà con người tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày và với số lượng bao nhiêu. Cũng khó có thể nhận định những hóa chất kết hợp đó ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào.
Một nghiên cứu gần đây của Pháp cho thấy những người ăn thực phẩm hữu cơ ít có nguy cơ mắc ung thư hơn hẳn và nếu những phát hiện đó được xác nhận thì các nhân tố cơ bản cần được nghiên cứu nhiều hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng thuộc Đại học Harvard cảnh báo rằng nghiên cứu không phân tích mức độ dư lượng trong cơ thể người tham gia để xác nhận mức độ phơi nhiễm.
Mặc dù 90% người Mỹ có nồng độ thuốc trừ sâu có thể phát hiện được qua nước tiểu và máu, tuy nhiên, các chuyên gia Havard cho biết “vẫn chưa biết rõ về hậu quả về sức khỏe của việc tiêu thụ dư lượng thuốc trừ sâu trên thực phẩm được trồng thông thường cũng như tác động của việc tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm được trồng thông thường có ít dư lượng thuốc trừ sâu hơn”.
Một nghiên cứu riêng của Harvard cũng cảnh báo đối với những phụ nữ đang điều trị vô sinh, những người ăn nhiều rau quả có lượng thuốc trừ sâu cao sẽ ít khả năng sinh con.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) giải thích “một loạt các ảnh hưởng tới sức khỏe, cấp tính và mãn tính, có liên quan đến phơi nhiễm với một số loại thuốc trừ sâu”, bao gồm các tác động đến hệ thần kinh, kích ứng da và mắt, ung thư và rối loạn nội tiết.
“Các nguy cơ về sức khỏe do phơi nhiễm thuốc trừ sâu phụ thuộc vào độc tính của thuốc, số lượng người bị phơi nhiễm, thời gian và lộ trình phơi nhiễm” và theo CDC, ghi nhận bằng chứng cho thấy trẻ em có nguy cơ cao hơn.
Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tuy thiết lập các quy định về cách sử dụng thuốc trừ sâu nhưng những quy định đó không nhất thiết ngăn ngừa phơi nhiễm tích lũy trong chế độ ăn uống của một người.
Hiện cơ quan này đang đấu tranh với tòa án về lệnh cấm chlorpyrifos – một loại thuốc trừ sâu có liên quan đến khuyết tật phát triển ở trẻ em.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là EPA đã thu hẹp những loại phơi nhiễm sẽ xem xét khi đánh giá rủi ro sức khỏe con người. Và Tổng thống Trump cũng mới bổ nhiệm bà Nancy Beck, cựu giám đốc của Hội đồng Hóa học Mỹ – một nhóm vận động hành lang công nghiệp, làm người đứng đầu bộ phận về hóa chất độc hại thuộc EPA.
Nhật Anh (Theo theguardian.com)