52 năm mối tình Việt – Nhật

BVR&MT – Ai đó bảo rằng, tình yêu vốn không có tuổi, không có luật lệ, không có đúng sai. Càng trải qua sóng gió, tình yêu càng trở nên đáng quý. Câu chuyện tình của cụ bà Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi, ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội có thể không phải là một cái kết có hậu nhưng dẫu sao vẫn để lại nhiều bài học sâu sắc về niềm tin mãnh liệt vào tình yêu.

Cụ bà Nguyễn Thị Xuân và cụ ông Nguyễn Văn Đức với một chuyện tình đặc biệt.

 Yêu ngay từ phút ban đầu

Tôi gặp cụ Xuân vào một ngày cuối tháng 4, trong căn nhà cấp bốn được trang trí theo phong cách Nhật Bản nằm nép mình dưới chân cầu Nhật Tân, cụ Xuân đón tôi bằng nụ cười thân thiện. Cụ dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, mắt sáng long lanh, mái tóc trắng như mây, hàm răng đã rụng nhiều song cụ vẫn gây cho người đối diện ấn tượng đặc biệt bởi trí nhớ minh mẫn lạ thường. Cách đây hơn 2 tháng, Nhật Hoàng cùng Hoàng hậu có chuyến sang thăm Việt Nam, cụ Xuân là một trong số nhiều gia đình may mắn vinh dự được yết kiến, ôm và nắm tay Hoàng hậu. Đó là khoảnh khắc không bao giờ quên đối với cụ.

Nhớ lại câu chuyện tình đáng nhớ cách đây hơn nửa thế kỉ, cụ Xuân kể: Bấy giờ là mùa đông những năm 1944 – 1945, tôi mới chừng 17 tuổi, đang sống ở TP. Hải Phòng. Một ngày nọ, khi tôi đang bán hàng ăn bỗng có một người quân nhân tên là Shimizu Yoshiharu (sinh năm 1919, người Nhật Bản) lặng lẽ bước vào, người ấy tỏ tình bằng một câu tiếng Nhật tự nhiên và dễ thương: “Tôi yêu Xuân, Xuân có bằng lòng yêu tôi không?”. Trong giây phút đột ngột đó, tôi không thấy ngượng ngùng mà tự nhiên thấy dâng lên trong lòng chút xao xuyến và mỉm cười nhận lời. Sau lần tỏ tình đầu tiên đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu nhau. Shimizu Yoshiharu là người tốt bụng, hiểu biết sâu sắc và yêu thương mọi người nên tôi đặt tên Việt Nam cho ông là Nguyễn Văn Đức.

Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, ông Đức sống tại Việt Nam, trực tiếp tham gia vào  đội dân quân tự vệ ở khu Tự vệ số 7, TP. Hải Phòng, còn tôi làm nữ cứu thương. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào một ngày đẹp trời năm 1946, đơn sơ mà lại ấm tình. Sau đó chúng tôi chuyển lên Bắc Giang sinh sống.

Quãng thời gian đó, tôi ở hậu phương, Shimizu Yoshiharu ở tiền tuyến, xa cách biền biệt, chỉ khi nào có phép mới tranh thủ về thăm vợ con rồi lại vội vã lên đường. May mắn là, chiến tranh ác liệt bom rơi đạn lạc, chúng tôi không ai bị thương nhưng bị mắc một căn bệnh sốt rét kinh hoàng, phải nằm viện suốt mấy tháng trời, không ăn uống được gì, nôn thốc nôn tháo, toàn thân co rút, người xanh xao vàng vọt, đến mức người khỏe lên được chút xíu là phải tập thể dục để lấy lại sức.

Thời điểm tham gia quân đội Việt Minh, ông Đức thực hiện công tác huấn luyện binh lính cùng đơn vị đóng tại nhiều địa phương. Ông Đức đi đến đâu, cụ Xuân bồng bế con đi theo đến đó, cả gia đình rồng rắn dắt díu nhau đi như thế suốt nhiều năm liền.

Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cụ Đức phải quay trở lại Nhật Bản nhận nhiệm vụ công tác. “Trước khi đi, Shimizu Yoshiharu có dặn tôi một điều: “Anh đi chuyến này độ 5 tháng đến 1 năm sẽ quay trở lại với em và các con. Sau thời gian đó anh không trở lại, Xuân có thể tự do quyết định tương lai của mình, nhưng dù khó khăn nhường nào cũng đừng để các con phải đứt học, tội lắm”. Khi đó, tôi không hiểu điều ông ấy nói, trong thâm tâm chỉ nghĩ ông ấy đi vì nhiệm vụ rồi sớm quay trở lại. Lúc ông Đức về Nhật, đứa con gái lớn của chúng tôi mới lên chừng 5 tuổi, cậu con trai thứ hai được 2 tuổi và đứa thứ ba vẫn đang còn nằm trong bụng mẹ”, cụ Xuân nhớ lại.

Cuộc chia tay ngày ấy chẳng hề có nước mắt bởi trong ý niệm cụ Xuân vẫn hằng tin một ngày nào đó cụ Đức sẽ sớm trở về. Ai dè, ông ấy đi một mạch suốt 52 trời đằng đẵng. Cụ Đức đi chưa đầy 1 năm thì cô con gái Nguyễn Thị Hiếu, 17 tháng tuổi của họ đột ngột qua đời vì căn bệnh thủy đậu. Sau đó ba mẹ con cụ Xuân cùng nhau về Hà Nội định cư. Chờ đợi mòn mỏi suốt 7-8 năm trời mà chồng vẫn bặt vô âm tín, cụ Xuân nhiều lúc đã nghĩ cụ Đức hi sinh ở một nơi nào đó. Cụ quyết định chọn ngày hai người lấy nhau làm ngày giỗ cho chồng. Đó là ngày 10/2/1954.

Lập bàn thờ cúng giỗ chồng nhưng cụ Xuân vẫn hi vọng một ngày nào đó cụ Đức sẽ trở về. Cụ Xuân nói: “Tôi khóc thương nhớ ông ấy những tưởng mù cả đôi mắt. Đêm nào tôi cũng khóc, khóc đến khô cả hai hàng lệ rồi chìm dần vào giấc ngủ. Có lúc tôi nghĩ mình sẽ hóa điên, đầu óc quay cuồng, không còn minh mẫn nữa. Suốt ngày tôi ngồi đó, bần thần, sầu não như một cái cây khô. Nhưng tôi nghĩ mình không thể mãi như thế được. Tôi đã cố gắng gượng dậy để nuôi các con…Quãng thời gian một mình đơn chiếc, nhiều người đàn ông muốn ngỏ ý cùng tôi san sẻ bớt gánh nặng cuộc đời, làm chỗ dựa tinh thần cho tôi cùng các con nhưng tôi đều từ chối vì nghĩ cảnh “con ông, con tôi” sau này rất phức tạp. Không phải tôi không muốn có ai đó mà tôi không bao giờ quên được ông ấy, tình cảm dành cho chồng vẫn còn vẹn nguyên trong tôi”.

Trong niềm tự hào về người chồng của mình cụ Xuân bảo, ngày trước, cụ Đức là người có tính cách nhẹ nhàng tình cảm, hiếm khi nào to tiếng, la mắng vợ con. Ngoài tình yêu trong sáng, cụ Xuân bao giờ cũng dành cho cụ Đức sự ngưỡng mộ và tôn trọng tuyệt đối.

Nhiều lúc nhớ bạn đời, cụ Xuân còn viết những bài thơ tình cảm, chỉ tiếc rằng những dòng thư ấy chỉ biết gửi vào hư vô: “Vì một nỗi nhớ xa cách trở/ Lòng em nay vẫn đợi mong chờ/ Một mình ba đứa con thơ/ Ngoảnh đi con út vẫn chưa ra đời/ Nay đã tới tuổi thời 56 /Anh xét tình có thấu hay không/ Trăm năm là đạo vợ chồng/ Xin anh nhận bức thư phong em đề…”, cụ Xuân xúc động đọc những dòng thơ mình viết.

Dù nhớ nhung hay đau khổ nhưng chưa khi nào và chưa bao giờ cụ Xuân cảm thấy hối hận vì đã yêu và lấy cụ Đức làm chồng. Cụ thậm chí còn thấy hạnh phúc, trân trọng và ghi lòng tạc dạ những kỉ niệm ít ỏi mà hai vợ chồng đã có bên nhau.

Cuộc tái ngộ sau 52 năm xa cách

Thấm thoát 52 năm trôi qua kể từ ngày ly biệt ấy, bây giờ, mỗi lúc nhớ lại cụ Xuân vẫn không nghĩ thời gian lại trôi nhanh đến như vậy. Giờ hai cụ đã là ông lão, bà lão ở vào tuổi xưa nay hiếm, mỗi người đều có gia đình riêng, êm ấm, hạnh phúc. Cụ Xuân bảo, chợt lúc nào nghĩ, tôi lại thấy mình như “hòn vọng phu” hóa đá chờ chồng. Tuy nhiên, cũng chỉ đến mãi năm 2006, qua một số nhà báo và phương tiện truyền thông hai nước, cụ Xuân mới biết tin chồng mình đang sinh sống ở Nhật Bản.

Cụ ngồi viết một bức thư với những dòng ngắn ngủi: “Chưa bao giờ tôi nghĩ lại mất anh”. Đáp lại bức thư đầy day dứt ấy, cụ Đức gửi lại đôi đũa, 3 chiếc thìa và 1 đôi tất với ngụ ý: “Trước sau chúng ta vẫn là vợ chồng/Còn con, còn cái vẫn còn ấm chân”. Cụ Đức còn gửi thêm 10 chiếc khăn mặt để cụ Xuân lau nước mắt. Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, cụ Đức là người hiểu rõ nỗi khó khăn và những đắng cay tủi cực mà cụ Xuân đã trải qua trước đó. Vì thế mà dù rất yếu, phải ngồi xe lăn lệt bệt, cụ Đức vẫn gặng chắt chút sức lực vượt qua đoạn đường mấy nghìn cây số sang Việt Nam thăm vợ con.

Cụ Nguyễn Thị Xuân lật giở lại từng kỉ vật với cụ ông Nguyễn Văn Đức.

Cụ Xuân nhớ lại: “Hôm ấy, cả gia đình tôi đón ông ấy ở sân bay. Ông sang Việt Nam cùng vợ và con gái. Cuộc tái ngộ của chúng tôi không hề có nước mắt, không có giận hờn, oán trách, chỉ có niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ông ấy về chơi được 5 ngày, tôi mừng quá chẳng ăn uống được gì vì cảm giác bụng dạ lúc nào cũng no.

“Shimizu Yoshiharu đến bên tôi nói: “Xuân mặc áo dài đẹp quá?” Tôi trả lời: “Tôi khỏe là để đợi và đón ông trở về”. Thấy tôi không ăn cơm, ông ấy lại hỏi: “Tôi phải làm gì để Xuân vui bây giờ”. Tôi nói rằng chỉ cần ông khỏe là tôi vui lắm rồi, chẳng cần điều gì lớn lao hơn thế. Sức khỏe yếu nên ông phải ở khách sạn, đêm về ngủ, sáng lại cùng vợ con qua nhà tôi. Ngày chúc thọ, ông mặc áo dài màu vàng ngồi ở giữa, hai bà vợ ngồi kề bên, con cháu quây quần không khác nào lễ hội lớn.

Gặp lại ông Đức, dường như bao mối giận hờn trong lòng cụ Xuân phút chốc đều tan biến, để cuối cùng chỉ còn lại tình yêu thương. “52 năm sau gặp lại, tình yêu của ông ấy vẫn nguyên vẹn như ngày nào“. Cụ Xuân bảo, trước khi sang Việt Nam, ông Đức từng gửi bức thư tay xin lỗi rất cảm động. Trong thư, ông Đức nói sức khỏe đã yếu hơn trước nhưng vì muốn sang Việt Nam thăm vợ con nên ngày nào cũng rèn luyện sức khoẻ, mong hồi phục để có thể giữ trọn lời hứa.

Ngày sang thăm Việt Nam, chúng tôi lại gặp nhau xúc động lắm, cả hai nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Ông ấy cứ đắm đuối nhìn tôi mãi. Các con lần lượt ôm bố rồi cùng lúc mà khóc. Ông ấy yếu lắm, hơi thở thều thào, không nói được nhiều, luôn dặn dò các con phải luôn tôn trọng mẹ”.

Lần gặp lại đó, cụ Xuân và người vợ của ông Đức cũng bắt tay nhau, ân cần chuyện trò thắm thiết. Cụ Xuân nói mình rất quý vợ ông Đức bởi trong tất cả chuyện này, bà ấy không hề có lỗi. “Tôi hiểu rằng, người đàn ông lúc cũng cần có một người phụ nữ ở bên để chăm sóc. Tôi mừng vì ông ấy đã có được nơi yên ấm, không phải lẻ bóng như tôi“.

Cụ Xuân nói điều làm cụ hài lòng nhất là gặp lại được người cũ, biết ông có gia đình và sống hạnh phúc. “Ngày gặp lại, ông ấy bảo cảm thấy hồi nhận nhiều vì ra đi mà sau mấy chục năm mới trở về. Trên khoảng sân thượng, ông ấy nắm tay tôi rưng rưng, hỏi rằng bây giờ anh phải làm thế nào. Tôi bảo tôi chẳng cần gì cả, chúng ta nay đã là ông, là bà, chỉ cần sống khoẻ, hạnh phúc, thế là đủ rồi còn mong gì nữa chứ”.

Cụ Xuân bật bí là cụ có một chiếc gối ôm rất đẹp. Mỗi khi đi ngủ, cụ thường đặt chiếc gối ôm bên cạnh và bao giờ cũng tưởng tượng cụ Đức đang nằm kề bên cho ấm cúng. Cụ Xuân còn nhớ rất kĩ chăn gối của cụ Đức để lưu giữ lại mùi hương. Sau lần gặp gỡ cuối cùng ấy, hai cụ vẫn thường xuyên liên lạc và viết thư thăm hỏi nhau: “Nếu có kiếp sau, sang thế giới bên kia, tôi nhất định sẽ đón anh để chúng ta không bao giờ phải xa cách”, cụ Xuân kể.

Hơn nửa thế kỉ đợi chờ, khi nhớ lại dường như những năm đó với cụ Xuân chỉ như một thoáng đợi chờ dễ dàng bị xóa mờ, giận hờn và oán trách đã nhường chỗ cho những kỉ niệm và tình yêu vĩnh cửu. Suốt cuộc trò chuyện với tôi, cụ Xuân luôn kể lại những hồi ức như muốn sống lại đoạn thời gian phía bên kia kí ức mà hai người đã từng bên nhau.

Ở tuổi xế bóng mãn chiều, cụ Xuân nghiệm ra rằng: trên cả cuộc đời này, tình yêu không có luật lệ, không có tuổi, không có ràng buộc, không có đúng sai. Cho đến cuối cùng, tình yêu đẹp hay dang dở, chung quy đều do cách chúng ta nhìn nhận của mỗi người. Chỉ cần nửa kia của mình hạnh phúc thì dẫu không được sánh bước cùng nhau đến trọn đời mãn kiếp, người còn lại vẫn cảm thấy vui và mãn nguyện.

Phúc Tiến (thực hiện)

Tags: ,
CHIA SẺ