Thủy điện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi tại khu vực Đông Nam Á; khan hiếm nước dẫn đến tình trạng căng thẳng tại Ấn Độ; Nước biển nóng lên khiến các rạn san hô chết hàng loạt mặc những nỗ lực làm sạch và bảo tồn môi trường biển. Đó là một vài câu chuyện nguồn nước tốn nhiều giấy mực trong năm 2016.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xác định thiếu nước là mối đe dọa hàng đầu trong năm 2015. Đây tiếp tục là một trong những rủi ro lớn nhất của năm 2016. Trong đó, những căng thẳng xoay quanh các đập thủy điện và kiểm soát nguồn nước trong tình trạng hạn hán là những tâm điểm xung đột. Dưới đây là 5 câu chuyện nguồn nước tiêu biểu trong năm 2016:
1. Một thế giới thiếu nước, nóng hơn và đầy biến động
Được ví như “dầu mỏ của thế kỷ tới”, nước sạch được dự đoán sẽ trở thành mồi lửa địa chính trị trong tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra. Tại Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, các đợt hạn hán càng trầm trọng hơn do hiện tượng El Nino.
Vốn chịu sức ép từ việc thiếu nước sạch dẫn đến những căng thẳng giữa các tiểu bang, năm vừa qua, Ấn Độ đã phải hứng chịu những cuộc biểu tình đầy bạo lực tại Bangalore nhằm phản đối quyết định của Tòa án tối cao về chuyển nước sang tiểu bang Tamil Nadu lân cận. Lực lượng quân đội cũng đã được bố trí nhằm bảo vệ kênh chuyển nước tới New Delhi sau các vụ phá hoại khiến thủ đô thiếu nước trong nhiều ngày.
Ấn Độ được coi là một trong những điểm nóng bạo lực liên quan đến biến đổi khí hậu của thế giới. Theo ông K Elangovan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn điện lực Kerela, lượng mưa đã giảm 43% tại khu vực Tây Nam và Đông Bắc Ấn Độ. Mực nước tại 91 bể chứa đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Đông Nam Á đã trải qua những thời điểm nhiệt độ đạt mức kỷ lục. Ước tính, một triệu người tại Việt Nam đã phải nhận hỗ trợ lương thực do đợt hạn hán kéo dài nhất trong 90 năm trở lại đây, gây thiệt hại nặng nề cho 81.000 ha đầm nuôi tôm tại 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại Thái Lan, từ đầu năm 2016, chính phủ đã cho đào hàng nghìn giếng nước trên khắp lãnh thổ nhằm giúp người dân, đặc biệt là nông dân vượt qua đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng trời.
2. Đẩy mạnh thu dọn rác trên biển nhờ công nghệ
Cuộc chiến chống lại tình trạng ô nhiễm biển đã có bước nhảy vọt trong năm qua với công nghệ mới giúp thu gom rác thải nhựa và dầu tràn trên biển.
Hai tay lướt sóng người Úc, Peter Ceglinski và Andrew Turton đang thử nghiệm những mẫu “Thùng rác biển” (Seabin) đầu tiên, có tác dụng thu gom rác và làm sạch biển. Thùng rác biển sử dụng một thanh chắn dài khoảng 100 mét, lợi dụng dòng hải lưu đưa rác vào thùng, sau đó giữ lại bằng một hệ dây neo phụ cho đến khi được thu vớt.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Ai Cập và Ả Rập Saudi đã phát minh ra tấm màng lọc thân thiện môi trường, giá thành phải chăng, có tác dụng thu gom dầu tràn trên biển. Nguyên lý hoạt động của tấm màng là chuyển lớp váng dầu sang thể rắn hoặc bán rắn để có thể vớt được một cách dễ dàng.
3. Đập thủy điện – nên hay không?
Đập thủy điện vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong năm 2016. Mặc dù được cho là nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo công ăn việc làm, việc xây đập có xu hướng gây thiệt hại đối với các hệ sinh thái và đời sống của cộng đồng địa phương. Những người chỉ trích thủy điện cho rằng lợi ích từ thủy điện không phải lúc nào cũng được đảm bảo, và còn nhiều lựa chọn thay thế khác. Tuy nhiên, các quốc gia khu vực Đông Nam Á hiện vẫn không ngừng xây dựng đập thủy điện.
Sông Mê Kông vẫn tiếp tục là tâm điểm của sự xung đột. Tại đây, 18% nguồn cung thủy sản cho thế giới đang bị đe dọa khi đập thủy điện tiếp tục mọc lên trên khắp dòng chính và dòng nhánh. Với tham vọng trở thành “cục pin của Châu Á”, Lào đã tiến hành xây dựng 29 đập thủy điện trên sông Mê Kông trong số 100 đập thủy điện dự kiến trên cả dòng chính và dòng nhánh. Myanmar cũng vừa cấp phép xây dựng thủy điện trên sông Salween – con sông cuối cùng của Đông Nam Á chưa được khai thác tiềm năng thủy điện. Hầu hết các cộng đồng, và cả chính quyền địa phương trong một vài trường hợp, đều phản đối gay gắt các hoạt động xây dựng thủy điện.
4. Thiếu nước làm giảm nguồn thu của các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chi trả nhiều hơn khi các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là tài nguyên nước. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, thiếu hụt nguồn nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia khu vực Trung Á vẫn có thể tăng 11% bình quân GDP nếu áp dụng các phương thức hiệu quả trong quản lý nguồn nước.
Theo cảnh báo từ Dự án công khai khí thải Carbon (Carbon Disclosure Project), một dự án phi lợi nhuận có chức năng theo dõi sự tuân thủ về bảo vệ môi trường của các công ty, các trận lũ lụt và hạn hán có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ gây sức ép về nguồn nước cho các doanh nghiệp, làm tăng hàng tỷ USD chi phí hoạt động. Trong báo cáo mới nhất của Dự án, một số doanh nghiệp như General Motors và Diageo đã có những bước tiến trong việc duy trì, bảo vệ nguồn nước, trong khi ngành năng lượng vẫn còn thiếu minh bạch về các rủi ro đối với nguồn nước. Báo cáo đồng thời cũng nhấn mạnh, các biện pháp bảo vệ nguồn nước thường góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí phát thải nhà kính.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change mới đây đã dự đoán sản lượng điện sẽ giảm trong những thập kỷ tới do nguồn nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện và nhiệt điện – nơi sản xuất 98% điện năng – bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Giá điện sẽ tăng lên trong tương lai. Vì vậy, các công ty nên chuyển đổi từ hệ thống làm mát bằng nước sang hệ thống làm mát bằng không khí nhằm giảm thiểu những tác động này.
5. Dưới đại dương
Năm 2016 là một năm khó khăn đối với các sinh vật thủy sinh. Vào hồi tháng 3, khoảng 93% rạn san hô Great Barrier tại Úc bị tẩy trắng. Các rạn san hô tại quần đảo Lakshadweep, Bắc Ấn Độ Dương cũng trải qua hiện tượng tương tự. Theo dự báo của Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (US National Ocean and Atmospheric Agency), các rạn san hô ở Mỹ sẽ là “nạn nhân” tiếp theo. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhiệt độ môi trường nước ấm lên, khiến tảo mầu sống trong các mô của san hô biến mất.
Ngoài ra, việc tiến hành khai hoang các đảo tại eo biển Malacca của Malaysia đã đe dọa đến loài đồi mồi (hiện đang được xếp hạng cực kỳ nguy cấp), do lấn chiếm khu vực sinh sống của loài.
Tuy nhiên, đây lại là một năm khởi sắc đối với các Khu bảo tồn biển, với các tin vui như Liên minh Châu Âu thống nhất cùng 24 quốc gia thành lập Khu bảo tồn biển lớn nhất tại Nam Cực; Mexico xây dựng Khu bảo tồn biển lớn nhất quốc gia; Tổng thống Mỹ Barack Obama cho xây dựng Khu bảo tồn biển mới tại Đại Tây Dương và mở rộng Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuākea, Haiwaii; Malaysia thành lập Khu bảo tồn biển Tun Mustapha lớn nhất Đông Nam Á tại Sabah sau 13 năm đàm phán.
Dương Kim/ Theo Eco-Business