BVR&MT – Đó là thông tin được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) diễn ra ngày 28/4, tại Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu – giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật (ĐH Đà Nẵng) phối hợp tổ chức.
Diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà đang ngày càng bị thu hẹp. Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ban hành Sơn Trà là một trong 10 khu rừng cấm với diện tích khoảng 4.000 ha. Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp ban hành Quyết định đổi tên Sơn Trà thành KBTTN Sơn Trà, xác định cụ thể tổng diện tích là 4.439 ha.
Năm 2008, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008- 2020. Theo đó, Quyết định đã giảm đi 1847,9 ha (chiếm 41% tổng diện tích khu bảo tồn); diện tích KBTTN Sơn Trà còn 2.591,1 ha,bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trống và đồi núi trọc.
Kiến trúc sư Hoàng Sừ, đại biểu tham dự cho biết: Hiện, TP Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho 14 doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch, biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp… với tổng diện tích khoảng 1225,45 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích toàn khu bảo tồn. Việc cắt giảm 41% diện tích rừng chuyển sang đất khác là quá lớn, khu vực bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng đệm bảo vệ khu bảo tồn tránh khỏi sự xâm hại từ các hoạt động của con người chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại các loài động vật quý hiếm trong khu bảo tồn.
Ngoài ra, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng, cũng như đến báo đảo Sơn Trà ngày càng tăng, năm 2016 ước đạt 5,55 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường như suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, tăng áp lực về chất thải rắn và gia tăng lượng nước thải do khách du lịch…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ: Phát triển du lịch Sơn Trà cần được xây dựng trên nguyên tắc “giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn”. Theo đó, ông Vinh đề xuất một số kiến nghị như: khách du lịch phải trả tiền để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Trà; sử dụng người dân địa phương làm hướng dẫn viên, hỗ trợ chuyên gia trồng rừng, bảo tồn các loài quý hiếm; chính quyền, người dân, du khách cần thấy tầm quan trọng của việc giữ Sơn Trà nguyên vẹn; du lịch sinh thái có thể giảm nạn săn trộm, buôn bán thú rừng và gỗ quý…
Nhiều ý kiến khác cũng được các đại biểu đưa ra nhằm hướng đến giải pháp bảo tồn bền vững Sơn Trà như: xây dựng quy hoạch tổng thể và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, bao trùm các quy hoạch hiện có, bảo đảm các yếu tố đa dạng sinh học được xem xét đầy đủ khi phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể cả bán đảo.
Xem xét mở rộng diện tích KBTTN Sơn Trà, tạo thành một quy hoạch chung tổng thể kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái hữu cơ tự nhiên. Xây dựng cơ chế phối hợp quản lý giữa các đơn vị liên quan. Xây dựng hình ảnh voọc chà vá chân nâu như biểu tượng thiên nhiên của Đà Nẵng hay nhận diện thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Xây một quỹ bảo tồn Sơn Trà từ vé, phí, thuế vào cổng hoặc thông qua các hình thức gây quỹ từ đóng góp từ nguyện từ du khách, quà lưu niệm mang tính đặc trưng…