BVR&MT – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã thông qua Quyết định 4691/QĐ-BNN-TCLN ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.
Cụ thể, theo Kế hoạch: Giai đoạn từ năm 2018- 2020 tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ; giai đoạn từ năm 2021-2030: tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 1.000.000 ha rừng trồng sản xuất.
Thực hiện quản lý rừng bền vững
Toàn bộ các ban quản lý rừng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổ chức kinh tế, doanh nghiệp quản lý rừng, hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững với diện tích khoảng 7.200.000 ha.
Mục tiêu là quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Duy trì toàn bộ diện tích rừng hiện đã được cấp chứng chỉ là 235.000 ha (88.000 ha rừng tự nhiên; 147.000 ha rừng trồng).
Tạo được nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, đáp ứng tối thiểu được khoảng 80% cho nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu;Nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp.
Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và một số chủ rừng là tổ chức với số học viên khoảng 1.180 người.
Tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; xây dựng mạng lưới quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cụ thể đến từng tỉnh, thành phố và cả nước.
Xây dựng các mô hình quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương nhằm mục đích là nơi tham quan, học tập phục vụ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng là cán bộ chuyên môn, chủ rừng; đồng thời là hiện trường để thực hiện đánh giá thử nghiệm các tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam, cụ thể:
Hỗ trợ chủ rừng thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi và hướng dẫn thực hiện các công việc: xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện việc quản lý, sử dụng dụng rừng đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững;
Hoàn thành các thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 04 mô hình quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hoặc nhóm hộ gia đình, cá nhân liên kết với quy mô khoảng 2.000 ha; chủ rừng là công ty lâm nghiệp có rừng trồng sản xuất với quy mô khoảng 3.000ha; chủ rừng là doanh nghiệp có vườn cây cao su với quy mô khoảng 2.000ha; chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô khoảng 3.000 ha.
UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng dự án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trình UBND tỉnh phê duyệt. Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối vốn để thực hiện; chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng kế hoạch triển khai dự án. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cân đối ngân sách địa phương theo cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện; chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện. Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; thông tin, tuyên truyền các hoạt động về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Các chủ rừng tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (đối với chủ rừng là tổ chức) theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch, đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững phù hợp với mục đích sử dụng rừng của chủ rừng.
Văn Trì