BVR&MT – Đó là nguồn vốn ODA dành cho chương trình bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GWP) tài trợ trong giai đoạn 2019-2022.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tăng Cường Quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp và khởi động dự án WLP do Tổng Cục Môi trường tổ chức ngày 10/9/2019 tại Hà Nội.
Chương trình bảo tồn được tài trợ là dự án thành phần của Chương trình Hợp tác toàn cầu về bảo tồn vì sự phát triển bền vững – Global Wildlife Program (GWP) do GEF tài trợ, do Ngân hàng Thế giới điều phối thực hiện tại 19 quốc gia khu vực Châu Á và Châu Phi. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Môi trường, Cục bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học là đơn vị chủ trì triển khai dự án.
Mục tiêu tổng quát của dự án là bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu thông qua giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên.
Mục tiêu này được thực hiện thông qua ba nội dung chính: hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật và các cơ quan quản lý bảo tồn; tăng cường quan hệ đối tác và mở rộng quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp.
Các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu mà chương trình GWP hướng tới bao gồm: voi, tê giác, các loài thú họ mèo lớn và các loài nguy cấp theo ưu tiên của từng quốc gia, ở Việt Nam là tê tê, các loài bò sát, rùa và chim.
Dự án được thực hiện trong bối cảnh các loài hoang dã tiếp tục bị đe dọa và suy giảm, nhiều quần thể loài nguy cấp đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, hệ thống phát luật về bảo tồn đa dạng của Việt Nam được thừa nhận là chưa thống nhất và đồng bộ; tổ chức, thực thi pháp luật còn thiếu nguồn lực; một số tồn tại, lỗ hổng trong các văn bản pháp luật dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm; hợp tác giữa các cơ quan thực thi chưa tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn còn rất hạn chế; và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học chưa đầy đủ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Đại diện Ngân hàng Thế giới bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án sẽ đóng góp mạnh mẽ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu Aichi 2020 của Công ước Đa dạng sinh học, đặc biệt là mục tiêu số 12 về ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng và cải thiện tình trạng bảo tồn.
Bạch Dương