BVR&MT – Tại Sơn La, cứ mỗi độ xuân về, khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng, lễ hội Mùa hoa ban lại được tổ chức. Trong khuôn khổ lễ hội Mùa hoa ban năm 2017, tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) từ ngày 11-13/3, lần đầu tiên hội thi thêu khăn Piêu đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Tại lễ hội, hội thi thêu khăn Piêu có sự tham dự của 10 đội đến từ các phường, bản của thành phố Sơn La. Theo những người thợ thêu, để thêu hoàn thiện một chiếc khăn Piêu, người thợ phải mất hơn hai tuần; tuy nhiên, trong khuôn khổ của lễ hội này, hội thi chỉ diễn ra trong 2 ngày, đội nào thêu nhanh, thêu được nhiều, đúng kỹ thuật, thẩm mỹ cao, đội đó sẽ giành chiến thắng.
Bà Quàng Thị Vin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sơn La (Ban Tổ chức lễ hội) cho biết: Hội thi thêu khăn Piêu được đưa vào là một hoạt động tại Lễ hội Mùa hoa ban nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Đây cũng là dịp để các phường, bản về giao lưu, học hỏi kỹ thuật thêu khăn Piêu; qua đó tăng cường sự đoàn kết giữa các phường, bản ở thành phố Sơn La. Kỹ thuật thêu hoa văn trên chiếc khăn Piêu của mỗi vùng có những sáng tạo riêng, cách ép chỉ cũng khác nhau.
Để có một chiếc khăn Piêu, người làm khăn phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, quay xa, kéo sợi, nhuộm chàm đến lựa kim chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm thủ công; trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người thêu và hầu hết phụ nữ dân tộc Thái đều biết thêu.
Chị Lò Thị Hoan, thành viên đội thêu phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết, các chị được học dệt vải và thêu khăn Piêu từ khi mới lớn. Đây là việc gần như bắt buộc của mỗi thành viên nữ trong gia đình người Thái đen.
Do đó, hầu hết các cô gái trước khi đi lấy chồng đều biết thêu thùa, dệt vải, đặc biệt là biết thêu khăn Piêu. Qua cách thêu khăn Piêu có thể đánh giá người phụ nữ đó có phải là người siêng năng, khéo léo hay không.