BVR&MT – Trước tình trạng “lá phổi xanh” của hành tinh, rừng mưa nhiệt đới Amazon bị tàn phá nghiêm trọng bởi những đám cháy, hơn 200 nhà đầu tư sở hữu khoảng 16,2 nghìn tỷ USD ngày 18/9 đã kêu gọi các công ty nỗ lực ngăn chặn tình trạng phá hủy rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Tổ chức phi chính phủ Ceres ra thông cáo cho biết, 230 quỹ tài chính đã ký một nghị quyết kêu gọi các công ty theo dõi chặt chẽ các chuỗi cung ứng hàng hóa, cùng với các biện pháp khác để ngăn chặn nạn phá rừng.
Theo danh sách do Ceres cung cấp, các bên tham gia ký kết bao gồm một loạt các quỹ quản lý đầu tư tư nhân như Quỹ quản lý tài sản toàn cầu HSBC và Quỹ tài sản BNP Paribas tới các quỹ tài chính hưu trí công như California’s CalPERS.
Giám đốc điều hành của Storebrand Asset Management, công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất của Na Uy và một trong những bên ký kết, ông Jan Erik Saugestad cho biết: “Tình trạng phá rừng và mất hệ sinh thái không chỉ là những vấn đề môi trường. Có những tác động kinh tế tiêu cực đáng kể đi kèm với những vấn đề này và chúng đặt ra mối nguy cơ khiến các nhà đầu tư không thể làm ngơ”.
Mặc dù nghị quyết vừa được ký không nói rõ quỹ tài chính nào đang cảnh báo sẽ rút vốn đầu tư công ty nào, song tuyên bố này đang gia tăng thêm sức ép mà các tập đoàn và các nhà đầu tư toàn cầu vốn đã gây áp lực lên các đối tác đang hoạt động tại khu vực Amazon, khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất nằm trên lãnh thổ Brazil, Bolivia và bảy quốc gia khác.
Riêng tại Brazil, trong năm nay số diện tích rừng Amazon bị phá hủy là hơn 2.400 dặm, rộng hơn diện tích bang Delaware của Mỹ. Theo dữ liệu chính phủ công bố, số vụ cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay đã lên tới 60.742 vụ, tăng 47% so với năm ngoái. Nhiều vụ cháy trong số đó là có chủ đích do nông dân và người chăn thả gia súc đốt rừng làm nương rẫy và chăn thả gia súc.
Tại nước láng giềng Bolivia, Tổng thống Evo Morales mong muốn biến quốc gia này thành một nhà cung cấp lương thực toàn cầu, gọi các mặt hàng nông nghiệp là loại “vàng mới” để giúp đa dạng hóa nền kinh tế đất nước.
Nghị quyết mới được các quỹ tài chính thông qua kêu gọi các công ty thực hiện một “chính sách không phá rừng” với các cam kết có thể định lượng được, đánh giá và công bố các rủi ro mà các chuỗi cung ứng gây ra đối với rừng, thiết lập hệ thống giám sát cho các đối tác chuỗi cung ứng và báo cáo hàng năm về “nguy cơ phá rừng và tình hình quản lý”.
CEO Jan Erik nhấn mạnh, cần phải tập trung nhiều hơn vào việc quản lý hiệu quả các chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Hồi tháng 8, tập đoàn VF, chủ của nhiều nhãn hàng nổi tiếng như The North Face và Vans, tuyên bố sẽ ngừng mua sản phẩm da thật từ các nước thuộc khu vực rừng Amazon. Đây là quyết định phản ứng lại các tình trạng cháy rừng bùng phát tại khu vực này.
Na Uy cũng đã hối thúc một số công ty trong nước bảo đảm không tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc phá rừng Amazon, trong đó có công ty dầu mỏ Euinor ASA, công ty sản xuất phân bón Yara International ASEA và công ty sản xuất nhôm Norsk Hydro ASA.
Trong khi đó, các nhà đầu tư quản lý số tài sản lên tới 15 nghìn tỷ USD cũng đã tăng sức nóng lên khu vực dầu mỏ và khí đốt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của LHQ tại New York vào tuần tới nhằm thúc đẩy các nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.