BVR&MT – Báo Tin Tức Cuối tuần số 31 đăng Chuyên đề: “Phát triển toàn diện cho vùng 4 dân tộc rất ít người”, phản ánh việc thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao”. Ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc cho rằng Đề án đã và đang làm đổi thay đời sống của các dân tộc này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có những khó khăn, bất cập về chính sách cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Thưa ông, điểm nổi bật của Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” là gì?
Bốn dân tộc: Mảng, Cống, Cơ Lao và La Hủ nằm trong số 16 dân tộc dưới 10.000 người, đây là những dân tộc có số dân ít, sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội hết sức khó khăn, có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phát triển… Để tránh các nguy cơ tụt hậu, trong điều kiện khả năng ngân sách nhà nước ta có hạn, chưa đầu tư cùng một lúc cả 16 dân tộc, nên Ủy ban Dân tộc đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, trước mắt phê duyệt, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống và Cờ Lao, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo, tiến tới thoát nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020 nâng mức sống tương đương với mức sống của các dân tộc khác trong vùng.
Về nội dung đầu tư: Do địa phương đề xuất, Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy điểm nổi bật của Đề án là: Thứ nhất phấn đấu đến năm 2020, các điều kiện và mức sống của bốn dân tộc này phải đạt mức tương đương với các dân tộc khác trong vùng. Thứ hai tạo cơ chế chủ động và giao quyền quyết định cho địa phương, đó là: Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, trên cơ sở các danh mục trong Đề án, Trung ương bố trí vốn ghi chung với các chính sách khác cùng nhóm C, giao quyền quyết định cho địa phương tự bố trí vốn, để giảm khâu quản lý trung gian (bộ, ngành), tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong tất cả các khâu: Chuẩn bị đầu tư, phê duyệt đầu tư hàng năm, đồng thời giảm áp lực ngân sách, hạn chế phát sinh tăng đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đối với vốn sự nghiệp, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn theo đề án được duyệt và chia ra từ năm 2013 – 2020, hàng năm bố trí đủ vốn 100%. Các địa phương chủ động đầu tư, các hạng mục đầu tư do người dân và chính quyền địa phương lựa chọn sắp xếp ưu tiêu đầu tư, đảm bảo nguyện vọng của người dân, phù hợp với khả năng đáp ứng ngân sách hàng năm, tránh tình trạng nợ đọng kéo dài.
Đề án đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2013 các địa phương mới được phân bổ vốn, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Đề án duyệt ngày 26/9/2011, đầu năm 2013 các địa phương có dân tộc được thụ hưởng từ Đề án mới được bố trí vốn đầu tư phát triển và tháng 9/2013 mới bố trí vốn sự nghiệp. Việc bố trí vốn chậm với lý do sau: Hàng năm vào cuối tháng 9, Chính phủ phê duyệt kế hoạch ngân sách cấp năm sau, tháng 10 trình Quốc hội phê duyệt. Với Đề án này tháng 9/2011 phê duyệt, do vậy năm 2012 không thể kịp thời bố trí vốn; tháng 5 và 6/2012 lập kế hoạch bố trí vốn cho kế hoạch năm 2013 đúng theo quy trình lập kế hoạch.
Theo quy định tại Quyết định 1672/QĐ – TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề án được duyệt, các địa phương xây dựng dự án thành phần gửi Ủy ban Dân tộc để phối hợp với các bộ, ngành thẩm định trước khi UBND tỉnh phê duyệt đầu tư. Thực tế địa phương không xây dựng dự án thành phần, vốn ghi trong đề án là tạm tính, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành gặp khó khăn trong công tác bố trí vốn để đảm bảo thực hiện hiệu quả. Do vậy, vốn sự nghiệp chia đều cho các năm (từ 2013 đến 2020): Hà Giang 2,5 tỷ/năm; Điện Biên 1,61 tỷ/năm; Lai Châu 23,17 tỷ/năm. Các địa phương chủ động sắp xếp ưu tiên bố trí vốn cho các hạng mục đầu tư.
Với những vướng mắc, bất cập đang diễn ra, theo ông liệu có đạt được mục tiêu đề án vào năm 2020?
Ủy ban Dân tộc đã sơ kết 3 năm thực hiện đề án nhằm rà soát, sửa đổi mục tiêu phù hợp với khả năng đạt được vào năm 2020, điều chỉnh những bất cập của chính sách, trình Thủ tướng phê duyệt tăng tổng mức đầu tư nhưng các địa phương còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất cao nên không thực hiện. Về cơ chế bố trí vốn, từ năm 2013 đến 2015 (3 năm), Trung ương bố trí đủ vốn và ghi rõ vốn cho Đề án.
Từ năm 2016 – 2020, thực hiện theo Nghị định số 77/2014/NĐ – CP và Luật Đầu tư công, các chính sách cùng nhóm C giao cho các địa phương tự bố trí vốn, được áp dụng theo Quyết định số 40/2015/QĐ – TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, nghĩa là Trung ương cấp đủ, nhưng hòa chung vào tổng số vốn đầu tư cấp cho địa phương (không ghi rõ danh mục dự án), nên việc bố trí vốn của địa phương, do địa phương tự quyết định. Qua báo cáo, thực tế năm 2016, 2017, các địa phương bố trí vốn thấp hơn nhiều so với năm trước; đối với tỉnh Hà Giang: năm 2016 Trung ương cấp 15 tỷ đồng vốn đầu tư, nhưng tỉnh chưa bố trí, năm 2017 Trung ương cấp 16,500 tỷ đồng, nhưng địa phương mới cấp có 3,462 tỷ đồng.
Tỉnh Điện Biên: năm 2016 Trung ương cấp 17,0 tỷ đồng, thực tế địa phương mới cấp được 12,750 tỷ đồng, còn thiếu 4,250 tỷ đồng, năm 2017 Trung ương cấp 19,0 tỷ đồng, địa phương mới cấp 14,205 tỷ đồng, thiếu 4,795 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu: năm 2016 Trung ương cấp 42 tỷ đồng, thực tế tỉnh mới cấp 41,8 tỷ đồng, năm 2017 Trung ương cấp 46 tỷ đồng, nhưng địa phương mới cấp 6,260 tỷ đồng thiếu 39,740 tỷ đồng. Như vậy, hiệu quả đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của địa phương, với những bất cập đang diễn ra, đến năm 2020 rất khó có thể đạt được các mục tiêu của Đề án. Trong thời gian tới chúng tôi có kế hoạch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cùng với các địa phương nơi được hưởng dự án để làm rõ nguyên nhân, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!