BVR&MT – Hơn 3 năm nay, khi những vết kim tiêm vừa ráo, mặc cho những cơn đau trên cánh tay còn chưa đỡ hẳn, người ta lại thấy bóng dáng chàng trai nhỏ nhắn lụi cụi bộ đồ nghề đánh giày, rong ruổi khắp khu vực bệnh viện Bạch Mai.
Đánh giày kiếm tiền mua thuốc
Chúng tôi tìm đến ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội vào một buổi chiều đông se lạnh. Không biết từ khi nào, con ngõ nhỏ này được gắn với cái tên “xóm chạy thận”, cái tên không chính danh trong sổ sách hành chính nhưng nhắc đến ai cũng bùi ngùi thương cảm. Bước chân vào đây, tôi như lạc vào một thế giới khác-tĩnh lặng và tiêu điều đến lạ!
Dừng chân tại quán nước đầu ngõ, hỏi về hoàn cảnh của chàng trai Nguyễn Như Tuấn Đức sinh năm 1993 quê Hòa Bình thì không ai không biết. Lần đầu gặp anh chúng tôi không khỏi giật mình khi đứng cạnh là chàng trai 24 tuổi nhưng thân hình nhỏ bé ngỡ như một học sinh cấp 2.
Đôi tay run run, nhấp một ngụm trà nóng, anh cho biết : “Tôi sinh ra trong một gia đình bần nông tại huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, bố mẹ sống chủ yếu nhờ vào vài mảnh ruộng nhỏ lại phải lo lắng cho đứa em 5 tuổi nên cái ăn còn chưa đủ nói gì đến khoản tiền phụ cấp cho tôi chữa bệnh .Từ năm 4 tuổi tôi đã bị thận nên cơ thể chậm phát triển hơn bình thường, có thời điểm sức khỏe yếu tôi có 19 kg thôi, giờ lên được 35 kg là cao rồi đấy ”
Gắn bó với bệnh viện Bạch Mai từ năm 18 tuổi, đều đặn 3 lần trong tuần, anh lại lủi thủi một mình đi bộ đến phòng chạy thận. Nhiều khi lọc máu xong, người mệt lả trong khi chỉ có một mình nên anh phải xin bác sĩ nằm nghỉ tại bệnh viện đến khi đỡ mệt mới dám đi. Biết tin căn bệnh của mình phải chạy chữa tốn kém, trong khi gia đình cũng chẳng dư giả gì nên mỗi tháng anh chỉ xin có 5-6 trăm nghìn. Số tiền đó với anh chưa đủ để đóng tiền phòng nói gì đến việc ăn uống sinh hoạt.
Đối với những bệnh nhân suy thận, chỉ cần đủ sức khỏe chống chọi với bệnh tật, có thể tự mình ra khỏi giường bệnh đã là một sự may mắn lớn. Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay, mỗi khi người không quá mệt, anh Đức lại cố nén đau, xách bộ đồ đánh giày cũ mà anh mới mua lại với giá 300 nghìn đồng, đi khắp bệnh viện kiếm thêm chút tiền thuốc thang, trang trải cuộc sống.
“Ngày nào đông khách thì được hơn 100 nghìn, ngày ít hơn thì được vài chục. Kiếm được nhiều tiền nhiều thì tôi mua thuốc nhiều-kiếm được ít thì tôi mua ít. Tôi chỉ lo tiền mua thuốc ngoài thôi chứ ăn uống với tôi thì đơn giản lắm, mỗi bữa tôi chỉ ăn vội nửa bát với chút đỗ luộc là xong ấy mà ”- Anh Đức chia sẻ
Khi được hỏi tại sao không đi ra ngoài đánh mà lại chỉ đánh trong bệnh viện. Anh kể: “Nghề này phải đi xa mới có khách, mà tôi đi được một quãng đã mệt mỏi, đi không nổi rồi. Đánh ở bệnh viện nhiều khi cũng bị bảo vệ thu đồ nghề nhưng tôi đành mua bộ đồ khác chứ quyết không bỏ nghề, ngoại trừ hôm nào mệt quá thì đành nằm nhà chứ không đánh giầy thì tôi biết kiếm sống cách nào được chứ ”
Thèm một cái Tết trọn vẹn
Ngồi cạnh anh Đức, chúng tôi tò mò hỏi về dự định về quê đón Tết Mậu Tuất 2018, ánh mắt anh bỗng chùng lại, ẩn sâu trong ánh mắt, khuôn mặt hốc hác đó là một nỗi buồn chất chứa một sự cô đơn tủi thân trong lòng.
“Năm nay tôi phải vào viện vào ngày mùng 1 Tết hơn nữa lại không thể xa giường bệnh quá 3 ngày nên 4-5 năm nay tôi chưa một lần được đón một cái tết trọn vẹn cả”- anh Đức ngậm ngùi.
Đối với anh, nhiều năm sống đơn độc một mình nên nỗi buồn cũng nguôi bớt dần. Thế nhưng, khi tết đến xuân về, trông thấy người dân trong phố hào hứng, nô nức đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tế anh không khỏi chạnh lòng.
Anh Đức tâm sự, mỗi năm Tết đến có các nhóm từ thiện đến phát quà, những bệnh nhân ở lại trong xóm lại quây quần bên nhau nên cũng bớt tủi thân hơn phần nào. Nhiều khi cũng muốn mua chút quà mang về cho gia đình nhưng ngày Tết đi lại cũng tốn kém lại phải dành tiền chữa bệnh nên cũng chả dám mua gì.
Giao thừa năm nào cũng vậy, anh đều gọi điện cho bố mẹ để chúc mừng năm mới. Trong anh, gia đình là thứ tồn tại duy nhất…là nguồn động lực để anh bước tiếp trên con đường chống chọi với bệnh tật.
“Có khi nào anh tuyệt vọng, sợ đối mặt với cái chết”- anh cười mỉm và lắc đầu. Bởi trong lòng những bệnh nhân trong xóm nói chung và anh nói riêng “cái chết” không phải là một sự ám ảnh, gieo dắt trong tâm hồn khiến con người ta heo hắt, gầy mòn. Với họ cái nỗi lo về cơm áo, gạo tiền còn đáng sợ hơn cả “cái chết”.
Chia tay anh khi trời vừa nhá nhem tối, bước chân ra về trong lòng chúng tôi bỗng trĩu nặng khi nghĩ về tương lai mịt mù của những phận đời như anh đồng thời hi vọng một ngày nào đó “may mắn sẽ mỉm cười với họ”.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Nguyễn Như Tuấn Đức, xóm chạy thận đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) Số điện thoại: 01673464986 |
Đình Tưởng – Xuân Thắng