Vụ kiện chim công phát lộ những thiệt hại từ đập thủy điện

BVR&MT – Nhóm bảo tồn Friends of Nature yêu cầu tòa án ngừng xây dựng một nhà máy thủy điện nằm trên dải sông Hồng của Trung Quốc, thuộc khu vực Kiết Sái (Jiasa), để bảo vệ sinh cảnh cuối cùng của loài công đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vụ án được mở vào tháng Tám tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Côn Minh.

Nhiều con sông quốc tế chảy qua tỉnh Vân Nam bao gồm sông Mê Công, Salween, và sông Hồng chảy vào Việt Nam. Những con sông này có nhiều tiềm năng thủy điện do sở hữu độ dốc cao nhưng việc xây dựng đập đã gây ra những tranh cãi về chính trị trong khu vực cũng như những tác động tiêu cực tới môi trường và vấn đề di dời cư dân địa phương.

Vụ kiện được đề cập là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc quan tâm đến môi trường công cộng nhằm ngăn ngừa sự mất mát của một loài đang bị đe dọa. Vụ kiện nêu bật những rủi ro về môi trường của việc phát triển thủy điện tại một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của Trung Quốc.

Dự án đập Kiết Sái đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của loài Chim công (Ảnh: Xi Zhinong/Wild China).

Công và đập lớn

Nhà máy thủy điện Kiết Sái trị giá 3,7 tỷ nhân dân tệ (532 triệu USD), công suất 270 MW, được xây dựng tại thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam. Việc lấp đầy hồ chứa của nhà máy sẽ làm ngập những vùng đất rộng lớn ở phía thượng nguồn, kể cả vùng lõi sinh cảnh của chim công.

Quan ngại trước những tác động tiêu cực của dự án đối với các loài nguy cấp và các khu rừng mưa nhiệt đới, Friends of Nature đã sử dụng lợi ích công cộng về môi trường để kiện các nhà xây dựng đập (một công ty con của Tập đoàn Tư vấn Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc) và cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá tác động môi trường (Công ty TNHH thiết kế kỹ thuật Côn Minh – Kunming Engineering), yêu cầu tạm dừng xây dựng, không ngăn dòng con sông hoặc chặt cây trong khu vực hồ chứa.

Ồn ào từ vụ kiện đã khiến việc xây dựng đập tạm dừng.

Tổng thư ký của Friends of Nature Trương Bá Câu cho biết “các yêu cầu trong vụ kiện rất đơn giản và rõ ràng: chúng tôi không yêu cầu bồi thường mà chỉ cần đình chỉ các vi phạm, loại bỏ rủi ro và không khởi động lại việc xây dựng”.

Đơn độc và nguy cấp

Chim công (pavo muticus) từng là loài phổ biến ở Trung Quốc. Người Thái, dân tộc thiểu số ở Vân Nam gọi loài này là Kim khổng tước vì bộ lông óng ánh có thể đổi màu từ xanh lá cây sang xanh đậm hoặc sang màu vàng, tùy thuộc vào góc của ánh sáng.

Năm 2009, Chim công được Sách đỏ IUCN đưa vào danh sách các loài nguy cấp và năm 2017, chính quyền tỉnh Vân Nam coi công là loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Mất sinh cảnh là lý do chính dẫn tới sự suy giảm của loài chim này. Môi trường sống lý tưởng của chúng là các thung lũng rộng lớn trong những khu rừng rụng lá nhiệt đới khô ráo nhưng những nơi này đã bị thu hẹp lại, nhường chỗ cho các loại cây trồng thương mại như cao su, trà, cà phê, chuối và xoài.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên Tạp chí quốc tế Avian Research cho thấy sự phân bố của chim công đã giảm 60%. Vào những năm 1990, có khoảng 800-1100 con ở Vân Nam. Phó Giáo sư Khổng Đức Quân thuộc Khoa Khoa học và Công nghệ Đời sống, Đại học Côn Minh và là đồng tác giả của nghiên cứu, ước tính hiện chỉ còn lại 500 con trên khắp Trung Quốc.

Việc xây dựng các chuỗi đập thủy điện đã thu hẹp sinh cảnh của chim công. Khi những con đập trên sông Lan Thuơng được hoàn thành, các khu rừng mưa nhiệt đới bị ngập và các thung lũng của sông Hồng cũng như các dòng nhánh trở thành sinh cảnh và hành lang trao đổi di truyền lớn nhất cũng như nguyên vẹn nhất.

Cá thể Chim công màu xanh lục được nhóm Wild China ghi lại trong chuyến thăm khu vực đập Kiết Sái (Ảnh: Zhizhong Xi/WildChina).

Quan điểm lỗi thời về phát triển

Vụ kiện một lần nữa làm bật lên xung đột giữa bảo tồn loài và phát triển thủy điện ở Vân Nam. Những người phản đối coi dự án thủy điện Kiết Sái phản ánh một “quan điểm lạc hậu về phát triển”.

Văn Thừa – Trưởng nhóm khoa học công nghệ môi trường Kinh Lãng Bắc Kinh nói rằng Vân Nam là địa phương đứng đầu quốc gia về bảo vệ đa dạng sinh học. Đơn cử, các cơ quan lâm nghiệp của tỉnh đã tài trợ cho bốn khu dự trữ nhỏ để bảo vệ chim công, chiếm hơn một nửa quần thể loài này ở sông Hồng.

Tháng 9 năm 2018, Vân Nam là tỉnh đầu tiên thông qua các quy định về bảo vệ đa dạng sinh học trong tỉnh. Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên đưa ra danh sách tất cả các loài (2016), các loài nguy cấp (2017) và các hệ sinh thái (2018). Các quy định mới tạo nền tảng vững chắc hơn cho nỗ lực bảo tồn.

Theo ông Trương Bá Câu, dự án Kiết Sái có thể làm hỏng tiến trình mà Vân Nam đã thực hiện đối với đa dạng sinh học và sẽ hạn chế các giá trị phát triển.

Con đập sẽ độc quyền phục vụ hai công ty khai thác mỏ, cụ thể là mỏ đồng và mỏ sắt Đại Hồng Sơn đã ký thỏa thuận mua 98% điện với công ty thủy điện.

Trường hợp này cũng làm nổi bật mặt tối của ngành thủy điện. Thật khó để xây dựng các mạng lưới điện ở địa hình đồi núi của Vân Nam và nhu cầu điện của địa phương cũng giới hạn. Do đó, chính quyền địa phương lựa chọn cách thu hút các nhà đầu tư gây ô nhiễm và sử dụng nhiều năng lượng để tận dụng nguồn điện do địa phương tạo ra.

Có những cách khác để phát triển kinh tế địa phương. Cả chính quyền huyện Tân Bình và Song Bách đều nhấn mạnh đến phát triển xanh trong quy hoạch địa phương nhằm thu hút du lịch sinh thái và các doanh nghiệp liên quan. Đây là một thách thức khác cho các cách tiếp cận phát triển truyền thống, chẳng hạn như xây đập và khai khoáng.

Phùng Xuân, chuyên gia chèo xuồng vượt thác hàng đầu của Trung Quốc, cho biết khu vực này lý tưởng cho môn thể thao này và đây sẽ là một lựa chọn xanh hơn để phát triển.

Xây dựng thủy điện: Trò chơi suy tàn

Các công ty thủy điện đang phải xoay sở để tạo ra lợi nhuận ở Trung Quốc khi nhu cầu điện giảm đi, hệ quả là thường xuyên lãng phí công suất phát điện. Thống kê từ lưới điện tỉnh Vân Nam cho thấy nhu cầu hàng năm của tỉnh khoảng 100 tỷ kW giờ trong năm 2016 và khoảng 90 tỷ để xuất khẩu điện trong công suất được tạo ra hàng năm là 300 tỷ kW giờ.

Các vấn đề về lưới điện và kiểm soát giá đã khiến các nhà đầu tư thủy điện ở Vân Nam phải đối mặt với tổn thất. Tháng 7 năm 2016, Vân Nam đã dừng việc phát triển và mở rộng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ – những trạm có công suất từ ​​250 MW trở xuống.

Và sau nhiều năm phát triển thủy điện dày đặc, các địa điểm còn lại ẩn chứa những rủi ro lớn nhất về môi trường. Một tài liệu của chính quyền tỉnh chỉ ra rằng 80% các nguồn thủy điện tiềm năng đã được phát triển. Những điểm còn lại đều nằm ở những khu vực nhạy cảm với môi trường và một số nhà máy thủy điện hiện có cũng phát sinh không ít vấn đề. Chính quyền địa phương đang ở phải đánh giá lại chi phí môi trường của phát triển thủy điện.

Số phận bất định

“Điều kiện tiên quyết cho tất cả các nỗ lực bảo tồn là dừng hoàn toàn dự án thủy điện Kiết Sái và loại bỏ các nhà máy thủy điện nhỏ trong sinh cảnh của chim công”, Trương Bá Câu nói.

Vẫn còn những bất trắc trong vụ kiện, đặc biệt là việc thay đổi quan điểm chính thức đối với các biện pháp môi trường nghiêm ngặt. Chính quyền Trung ương gần đây đã lỏng tay hơn trong thực thi các luật lệ môi trường. Một công ty xây dựng tám nhà máy thủy điện nhỏ tại khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nhạc Hành Sơn ở miền trung tỉnh Hồ Nam đã được yêu cầu phải trả tiền bồi thường thay vì dỡ bỏ các con đập. Cách tiếp cận này có thể được Vân Nam sao y bản chính và có thể tòa án tập trung tranh luận vào việc liệu có nên tạm dừng xây dựng đập hay yêu cầu bên xây đập trả tiền cho các biện pháp bảo vệ môi trường tốt hơn.

Nhưng Hề Chí Nông, người sáng lập tổ chức Wild China, tin rằng “nền văn minh sinh thái” của Trung Quốc – tầm nhìn dài hạn của đảng về tương lai bền vững – sẽ vẫn là nguyên tắc chủ đạo trong các tòa án. Với việc xây dựng đập Kiết Sái bị tạm dừng, tòa án sẽ không cho phép khởi động lại dự án.

Trương Bá Câu nói rằng việc các NGO sử dụng các vụ kiện như vậy sẽ buộc các nhà đầu tư thương mại và các cơ quan chính phủ phải thận trọng hơn trong việc phát triển tại các điểm nóng đa dạng sinh học, chú ý hơn đến việc chọn địa điểm phát triển dự án và nghiên cứu khả thi.

Tuy nhiên, Vân Nam vẫn còn nghèo nên cải thiện điều kiện sống và nền kinh tế địa phương là ưu tiên hàng đầu. Bành Khuê, chuyên gia bảo tồn hệ sinh thái thuộc tổ chức phi lợi nhuận GEI China cho biết thách thức lớn nhất là cải thiện điều kiện cho cộng đồng địa phương và đảm bảo phát triển bền vững. Các biện pháp bảo tồn như bảo vệ các loài đang bị đe dọa, thiết lập các lằn ranh đỏ sinh thái và thiết lập các khu bảo tồn quốc gia cũng phải hướng đến đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Quản lý mối quan hệ giữa người dân và đất đai là chìa khóa để bảo tồn thành công về lâu dài và chống lại sự thúc đẩy phát triển bằng mọi giá.

Nhật Anh (Theo Chinadialogue)

CHIA SẺ