VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 1): “Bảo tàng tự nhiên” đáng tự hào của Việt Nam

BVR&MT – Được quy hoạch là trung tâm của khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát sở hữu một hệ sinh thái vô cùng đặc trưng và đa dạng, thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, cùng những giá trị phong phú về mặt địa chất, địa mạo… Có thể nói rằng, Việt Nam đang nắm giữ một trong những “bảo tàng tự nhiên” tuyệt vời mang tầm vóc thế giới.

Nằm trong khuôn khổ chuyến công tác tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp trải nghiệm tại một trong những khu vực được UNESCO đánh giá là đa dạng sinh thái bậc nhất của Việt Nam, đó chính là VQG Pù Mát.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới VQG Pù Mát chính là cảm giác được hòa mình vào không gian của rừng già và núi non hùng vĩ. Trong khoảnh khắc ấy dường như bất cứ ai, theo vô thức, đều cố rướn hết thân mình, vươn vai và hít một hơi thật sâu như muốn thu trọn cả bầu không khí thiên nhiên trong lành và mát mẻ.

Địa hình kiến tạo kỳ quan

Cách trung tâm Thành phố Vinh khoảng 140 km về phía Tây BắcVQG Pù Mát có vị trí địa lý 18°46’ vĩ độ Bắc và 104°24’ kinh độ Đông thuộc tỉnh Nghệ An. Với diện tích vùng lõi khoảng 94.275 ha, vùng đệm khoảng 86.000ha, VQG Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, và Tương Dương, đường ranh giới phía Nam của VQG chạy dọc theo đường biên giới Việt – Lào.

VQG Pù Mát là Trung tâm của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu DTSQ thế giới vào tháng 9/2007.

Địa hình khu vực có độ cao dao động từ khoảng 200 m – 1.800 m (đỉnh Pù Mát cao 1.841 m là ngọn cao nhất VQG) với cấu trúc tương đối phức tạp, được cấu tạo bởi các trầm tích, biến chất trong hàng triệu năm, hình thành nên nhiều dải núi đá chia cắt mạnh mẽ, đồng thời tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên cực kỳ độc đáo như thác nước, hang động, thung lũng, sông suối…

Địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao, cùng với nền địa chất độc đáo là cơ sở hình thành những kỳ quan tự nhiên của VQG Pù Mát. (Trong ảnh: Thác Kèm nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát với độ cao lên đến 150 m)

Phía Tây Nam VQG Pù Mát, trên địa bàn huyện Con Cuông và Anh Sơn, có địa hình thoai thoải khá giống với địa hình miền trung du. Đây cũng là nơi sinh sống của một số dân tộc như: Thái, Kinh, và Thổ.

Từ xa xưa nhiều hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp mang tính cộng đồng thôn bản đã diễn ra rất thuần phác trên mảnh đất này. Cùng với đó, nhiều phương thức canh tác và sản xuất truyền thống vẫn còn được lưu giữ cho tới tận ngày nay.

Sông Giăng bắt nguồn từ dãy núi Pù Mát, nằm sát biên giới Việt – Lào và chảy xuyên qua vùng lõi VQG. Đôi bờ sông là những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp được bảo tồn một cách nghiêm ngặt.

Một trong những điểm nổi bật góp phần tạo nên sức cuốn hút cho diện mạo của VQG Pù Mát chính là hệ thống sông Giăng và sông Cả. Đây được ví như những “huyết mạch” ngày đêm cung cấp nguồn nước quý giá và kiến tạo cảnh quan cho hệ sinh thái đa dạng cùng những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp trải dọc đôi bờ.

Bên cạnh đó, những hoạt động địa chất và cấu tạo độc đáo về thổ nhưỡng cũng là khởi nguồn cho việc hình thành những thung lũng phì nhiêu, tươi tốt ẩn mình giữa trập trùng những dãy núi đá vôi hùng vĩ với muôn hình vạn trạng.

Hệ sinh thái đa dạng hiếm có

Nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn, VQG Pù Mát được đánh giá là một khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học cao, đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất khu vực Bắc Trường Sơn.

Cán bộ Trung tâm Giáo dục Môi trường – VQG Pù Mát đang giới thiệu đến khách tham quan sự đa dạng về sinh thái của khu vực được coi là vùng lõi của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.

Đây cũng là nơi đã xác định có sự phân bố của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó phải kể đến các loài mới được khoa học phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX như: Sao la, Vượn đen má trắng, Chà vá chân nâu, Khỉ đuôi lợn, Mang trường sơn, Chó sói lửa…

Rừng Săng Lẻ với diện tích 70 ha nằm trên địa phận xã Quang Thịnh – Tương Dương – Nghệ An, được xem là rừng Săng Lẻ đẹp nhất Đông Dương, tiêu biểu cho giá trị đa dạng về thực vật của VQG Pù Mát.

Về giá trị đa dạng sinh học của VQG Pù Mát, theo kết quả điều tra của Viện điều tra quy hoạch rừng năm 1992 thì VQG Pù Mát có 1.297 loài thực vật bậc cao, 64 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư.

Sau khi được thành lập năm 1996, VQG Pù Mát được sự hỗ trợ của dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên Nghệ An, cùng với sự cộng tác của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát đã tổ chức nhiều đợt điều tra, nghiên cứu thực địa ở vùng núi thấp và vùng núi cao.

Một trong những cây cổ thụ lớn và có giá trị nghiên cứu cao nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát.

Qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hiện tại đã xác định được có 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ. Trong đó có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ.

Yếu tố đặc hữu của khu hệ chim và thú ở VQG Pù Mát cũng rất cao. Có tới 12 loài (cho Việt Nam và Lào) trong số đó có những loài đặc trưng như Chào vao, Voọc đen, Sao la, Mang lớn, Mang Trường sơn, Chà vá chân nâu, Vượn Má vàng, Thỏ vằn, Cầy vằn, Trĩ sao, Khướu mỏ dài.

Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons), một trong những loại động vật nguy cấp đang cần được bảo vệ. Chúng có khả năng “đóng hộp” chính mình nhờ hai chiếc nắp yếm đặc biệt. (Ảnh ghi lại tại Trung tâm cứu hộ động vật VQG Pù Mát)

Về lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Đông Dương. Điều đặc biệt quan trọng là quần thể một số loài chim và thú thực sự có nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn phát triển nếu VQG được quản lý và bảo vệ tốt đó là các loài: Voi, Hổ, Sao La, Bò tót, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn, Cầy vằn, Gấu chó, Gấu ngựa, Trĩ sao.

Hậu Thạch