Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

BVR&MT – Phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển mạnh, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Tuy vậy, môi trường nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang ngày càng bị ô nhiễm, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản cần được quan tâm hơn nữa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, Xã Liên Châu (Yên Lạc) sử dụng máy quạt guồng nước tạo ô xy cho ao nuôi cá. Ảnh: Thế Hùng

Hiện toàn tỉnh có gần 7.000 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 13.000 tấn, tăng 3,52% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt trên 12.000, tăng 3,77%.

Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người nông dân. Tuy vậy, song song sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản là những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tỉnh những năm gần đây đang có sự chuyển dần từ hình thức nuôi thả tự nhiên, quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn.

Trong khi đó, nguồn nước đầu vào trong nuôi trồng thủy sản vẫn đang phải dùng chung với nguồn nước thủy nông đang ngày càng bị ô nhiễm do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nước thải, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Điều này đã gây tác động tiêu cực đến môi trường nuôi trồng thủy sản, là nguồn phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Trên thực tế, trong tỉnh đã xảy ra tình trạng cá chết do môi trường nước bị ô nhiễm.

Trước thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng bị ô nhiễm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống và các hộ nuôi trồng thủy sản tổ chức vệ sinh; khử trùng ao, hồ và xử lý môi trường nước bằng vôi, các chế phẩm sinh học đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật; nạo vét, thu gom đổ bùn đúng nơi quy định; sử dụng các thuốc, hóa chất và sản phẩm sử lý cải tạo môi trường trong danh mục được phép sử dụng.

Đồng thời hướng dẫn bà con thu gom, tiêu hủy dụng cụ, bao bì đựng thức ăn, hóa chất,… hướng dẫn xử lý thủy sản bệnh, khử trùng, vệ sinh môi trường ao nuôi sau các đợt mưa bão nhằm làm sạch môi trường.

Hằng năm, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với các huyện, thành phố thả bổ sung giống thủy sản nhằm duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; thanh, kiểm tra việc sử dụng kích điện, thuốc độc, thuốc nổ để khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, hoạt động quan trắc môi trường cũng được Chi cục Thủy sản xác định nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể chủ động hơn trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh, hạn chế được những rủi ro trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt là từ sau khi UBND tỉnh ra Quyết định ban hành kế hoạch Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 -2025, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Thủy sản luôn duy trì việc lấy mẫu định kỳ 1 lần/tháng, từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm tại một số vùng nuôi thủy sản và khu ương cá giống tập trung để kiểm tra, phát hiện những bất thường, thay đổi về các yếu tố như độ PH, oxy hòa tan, nhiệt độ và độ trong…

Chị Phan Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Kết quả quan trắc sẽ được thông tin đến người dân thông qua cơ quan quản lý ở các địa phương. Trong trường hợp các thông số quan trắc vượt ngưỡng, Chi cục sẽ ban hành thêm văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp cải tạo môi trường ao nuôi phù hợp, tránh phát sinh dịch bệnh, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người nuôi”.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với một số thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường, cùng với đó là các mối nguy hại về ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.

Do đó, để bảo vệ môi trường, phát triển thủy sản một cách bền vững, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 -2025 của UBND tỉnh; làm tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như bảo vệ môi trường, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.