BVR&MT – Sáng nay, 14/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức “Diễn đàn kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu ra một thực trạng đang cản trở ngành gỗ của nước ta phát triển, giảm sức cạnh tranh trên thị trường là hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và “mạnh ai nấy làm”.
Ngành gỗ của Việt Nam có hơn 4.300 doanh nghiệp. Trong đó, hơn 95% các doanh nghiệp gỗ có quy mô nhỏ, sở hữu tư nhân với số lượng dưới 50 lao động. Ngoài lực lượng lao động làm trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, còn có hàng trăm nghìn hộ gia đình hiện đang tham gia các hoạt động chế biến, thương mại tại các làng nghề truyền thống.
Mỗi năm, ngành gỗ của nước ta khai thác hơn 24 triệu m3 gỗ tròn, nhưng vẫn phải nhập khẩu 4-5 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhất là nguyên liệu gỗ cao su.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt gần 7 tỷ USD trong năm 2016 và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ngành gỗ của nước ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực và các doanh nghiệp của Ấn Độ.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho ngành này như: Chính sách bảo hộ, chính sách trợ cấp, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan… của nước ta chưa phù hợp, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một hạn chế khác của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam là năng suất lao động của ngành thấp, sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu đầu tư phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển.
Để ngành gỗ phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng, mấu chốt của thành công là phải liên kết để tạo thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau và tạo lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hộ trồng rừng để có nguyên liệu ổn định và giảm rủi ro.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội trong cơ chế, chính sách, đơn giản thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.