Truy tìm đối tượng phá rừng “chuyên nghiệp” ở Bình Định

BVR&MT – Trong hai ngày 30 và 31-7, các phóng viên đã về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định để tìm hiểu về vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 142 và 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Qua hơn hai giờ vượt rừng nguyên sinh với địa thế hết sức hiểm trở, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường; làm việc với lãnh đạo địa phương, ngành chức năng để tìm hiểu vụ việc.

Các cây gỗ dổi lâu năm bị đốn hạ bằng cưa máy, có đường kính thân khá lớn, ước tính hơn 40 m3.

Hiện trường cho thấy, gỗ bị xẻ nằm ngổn ngang giữa những vạt rừng, bên các đường mòn trong rừng già. Hàng loạt cây gỗ dổi có đường kính từ 40 – 80cm bị cưa hạ trong khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy lợi, thủy điện Định Bình. Lâm tặc cưa xẻ gỗ hết sức chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi. Các cây gỗ dổi lâu năm bị đốn hạ bằng cưa máy, có đường kính thân khá lớn, ước tính hơn 40 m3, phân tán rải rác ở 2 tiểu khu 142 và 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Sau khi cưa đổ, lâm tặc sử dụng cưa, máy xẻ thành phách với mục đích chuyển ra khỏi rừng.

Theo thống kê, đã có 23 cây gỗ dổi lâu năm bị cưa hạ và được xẻ thành những phách gỗ, gồm 134 tấm gỗ xẻ và khoảng 25m3 gỗ tròn. Tuy nhiên, đây không phải là con số cuối cùng, bởi qua quan sát, chúng tôi nhận thấy nhiều súc gỗ và nhiều lóng gỗ tròn chưa được ngành chức năng đánh dấu, đồng nghĩa chúng chưa được đưa vào con số thống kê. Hiện trường cho thấy, lâm tặc chỉ lựa những cây cổ thụ có đường kính lớn để đốn hạ. Mỗi súc gỗ trên đầu được khoan thủng một lỗ tròn to khoảng 2,5cm. Lỗ khoan này dùng để buộc vào đó sợi dây dù to bằng ngón tay cái người lớn, để lâm tặc kéo súc gỗ đi trên những đoạn đất bằng. Rõ ràng đây không phải là vụ phá rừng đại trà, mà là khai thác có “chọn lọc”.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Lâm tặc dùng cưa máy để đốn hạ cây nhưng ở vị trí xa đường dân sinh nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Vụ việc chỉ bị phát giác khi chính quyền địa phương nhận được tin báo của người dân và yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra. Khi đến hiện trường thì bọn lâm tặc đã bỏ chạy và để lại toàn bộ số gỗ vừa đốn hạ tại rừng”.

Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh: “Khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá là rừng giàu, do BQL Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý. Diện tích rừng tự nhiên ở Vĩnh Thạnh rất lớn, với hơn 46.700 ha. Lực lượng kiểm lâm chỉ có 30 người. Theo quy định, cứ 700 ha rừng có một kiểm lâm; hiện chúng tôi còn thiếu 17 người. Diện tích rừng bị phá do Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vĩnh Thạnh quản lý. Tuy vậy, trên thực tế BQLRPH vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp sổ đỏ để giữ rừng chính thức. Diện tích này chưa được giao khoán cho các hộ dân, vùng rừng nằm ở địa thế hiểm trở, xa dân cư nên rất khó để tổ chức tuần tra, kiểm soát. Có thể lâm tặc đã lợi dụng những xe chở gỗ rừng trồng, “lót” những súc gỗ dổi bên dưới những khúc gỗ keo để qua mắt ngành chức năng vận chuyển về xuôi. Ngành chức năng trực tại các trạm, chốt, nếu không có tin báo thì không dám chặn xe kiểm tra; Hạt đã mời Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp – Nông thôn tỉnh tiến hành giám định thiệt hại, khám nghiệm hiện trường. Sau khi có kết quả chính thức và đủ cơ sở pháp lý, Hạt sẽ khởi tố vụ án, củng cố hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thạnh để mở rộng điều tra, sớm xác định đối tượng vi phạm để có hướng xử lý”.

Trong khi đó, UBND xã Vĩnh Sơn cho rằng, rừng đó không thuộc quản lý của xã này mà do Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý. Việc này, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh thừa nhận, để xảy ra phá rừng có trách nhiệm của ngành kiểm lâm huyện. Tuy nhiên vùng rừng bị phá, trước đó đã được UBND huyện tạm giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.

Gỗ bị xẻ nằm ngổn ngang giữa những vạt rừng.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng nhìn nhận: “Hai năm trở lại đây, chưa có vụ nào mà số lượng gỗ bị tàn phá nhiều như vụ này. Hiện phải chờ cơ quan điều tra xác định vụ phá rừng có tổ chức hay không?”

Liên quan thông tin “bỏ quên” kê khai gỗ rừng bị phá, ông Thành cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra lại. Và khẳng định, không có chuyện bao che, bớt xén và sẽ xử lý nghiêm vụ việc.

Liên quan đến sự việc này, UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp cùng Công an huyện Vĩnh Thạnh và các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, truy tìm các đối tượng vi phạm. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp – Nông thôn nhanh chóng hoàn tất công việc giám định thiệt hại, khám nghiệm hiện trường làm căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng khởi tố vụ án, mở rộng điều tra, sớm xác định đối tượng vi phạm.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: “Đây là vụ khai thác gỗ trái phép có tính chất phức tạp, có dấu hiệu tội phạm hình sự, Sở NN-PTN đã chỉ đạo cho Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp – nông thôn Bình Định giám định mức thiệt hại để làm căn cứ xử lý. Chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cho Công an tỉnh, huyện cùng các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra, xác minh, nhanh chóng làm rõ đối tượng, xác lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật”.