Tràng Xá – No ấm từ những cánh rừng

BVR&MT – Xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) hiện có khoảng 9.000 nhân khẩu, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với lợi thế có trên 1.900ha đất lâm nghiệp, thời gian qua, người dân Tràng Xá đã tập trung phát triển kinh tế đồi rừng nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, Công ty CP Sản xuất và đầu tư phát triển Thành Phát (ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) thường xuyên chế biến và cung cấp ra thị trường khoảng 10 nghìn tấn gỗ thành phẩm/tháng.

Từ trung tâm xã Tràng Xá vào xóm Thành Tiến, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những cánh rừng bạt ngàn xanh. Ông Nông Ngọc Ánh, Trưởng xóm Thành Tiến, cho biết: Xóm hiện có 100/120 hộ dân trồng rừng. Hơn 10 năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng rừng mang lại, bà con đã dần thay thế trồng ngô kém hiệu quả sang trồng keo, bạch đàn mô, bồ đề…

Theo tính toán của các hộ trồng rừng, mỗi héc-ta rừng trồng khi đến kỳ khai thác sẽ cho thu nhập từ khoảng 100-150 triệu đồng. Nhờ vậy, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Anh Hoàng Ngọc Vũ là một trong những hộ tiêu biểu và có thu nhập khá từ trồng rừng ở xóm Thành Tiến. Anh Vũ chia sẻ, ban đầu, gia đình chỉ trồng 2,5ha keo. Sau kỳ thu hoạch đầu tiên, vợ chồng anh thu về hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy trồng keo không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lại thấp (khoảng 20 triệu đồng/ha/kỳ thu hoạch) và nhất là đầu ra ổn định, đến nay gia đình đã đầu tư trồng luân phiên 10ha keo.

Mỗi năm, gia đình anh Vũ khai thác được trung bình 150 tấn gỗ, với giá bán từ 900 nghìn – 1 triệu đồng/tấn, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 150 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Tương tự xóm Thành Tiến, hiện nay, việc trồng rừng cũng phát triển mạnh ở các các xóm: Đồng Ẻn, Đồng Bài, Đồng Tác, Đồng Mỏ, Lò Gạch… Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cấp ủy, chính quyền xã còn khuyến khích các hộ dân đầu tư các lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản. Đến nay, toàn xã có 7 cơ sở kinh doanh thu mua, chế biến gỗ (băm, bóc), trong đó, nhiều đơn vị hoạt động có quy mô như Công ty CP Sản xuất và đầu tư phát triển Thành Phát.

Bà Phó Thị Lý, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và đầu tư phát triển Thành Phát, cho biết: Chúng tôi đang thu mua gỗ rừng trồng của các hộ dân trên địa bàn xã Tràng Xá và các địa phương lân cận. Qua thu mua cho thấy chất lượng gỗ rừng trồng của bà con đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu của thị trường. Hiện, Công ty xuất bán từ 7-10 nghìn tấn gỗ thành phẩm/tháng, tương đương doanh thu đạt từ 5-6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Ảnh: C.T.V

Theo ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá: Hiện nay, trong xã có trên 65% hộ dân trồng rừng; trung bình mỗi năm sản lượng gỗ khai thác toàn xã đạt trên 3,3 nghìn m3 gỗ keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề… đem lại nguồn doanh thu khoảng hơn 5 tỷ đồng cho các gia đình. Cùng với phát triển kinh tế rừng, xã còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là khai thác thế mạnh về trồng trọt các loại cây ăn quả (bưởi, na, nhãn, ổi…).

Nhờ đa dạng hóa sản xuất dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân ở xã đạt gần 39 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 250 hộ (giảm 656 hộ so với năm 2012).

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Tràng Xá tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích bà con nhân dân đưa những giống cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và các xóm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước bảo vệ, phát triển rừng, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên rừng…