BVR&MT – Mùa mưa năm nay, dòng chảy đảo chiều từ Mê Kông ngược trở lại hồ Tonle Sap tiếp tục bị gián đoạn và cản trở bởi các con đập, hạn hán và biến đổi khí hậu.
“Đây là thảm họa tồi tệ với cả khu vực Mê Kông”, Viện sĩ người Thái Lan Chainarong Setthachua tuyên bố. “Nếu mất Tonle Sap, chúng ta mất luôn trái tim của ngư trường lục địa lớn nhất thế giới”.
Tonle Sap hay Biển Hồ là vùng đánh bắt cá trọng yếu của Campuchia cũng như tiếp sức cho cá di cư khắp Mê Kông. Năm 2014, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển thủy sản nội địa Campuchia Chheng Phen nói với tờ New York Times rằng “nếu Tonle Sap không hoạt động, ngư nghiệp cả sông Mê Kông sẽ sụp đổ”. Đó chính xác là những gì khu vực Mê Kông đang đối mặt hiện hữu.
Năm thứ 2 liên tiếp, dòng nước lũ Mê Kông không thực hiện được phép màu như truyền thống vào mùa mưa hàng năm: thường giúp Tonle Sap mở rộng gấp 5 lần mùa khô.
Thật khó cường điệu quy mô thảm họa trên diện rộng do các con đập thượng nguồn ở Trung Quốc gây ra khi chúng giữ lại cả nước và trầm tích – những yếu tố có vai trò sống còn với sự tồn vong của hệ sinh thái Mê Kông.
Cuộc khủng hoảng Tonle Sap bị hai con đập ở Lào – Xayaburi và Don Sahong làm trầm trọng thêm bằng việc chặn dòng cá và trầm tích. Thái Lan và Malaysia là các bên tham gia đầu tư ban đầu và phát triển dự án.
Dòng chảy ngược ở Mê Kông trong nhiều thế kỷ nay luôn biến đổi hồ Tonle Sap, làm ngập những khu rừng mênh mông vốn là một phần của hồ nội địa lớn nhất Đông Nam Á. Bình thường, lũ mùa mưa và dòng nhánh Tonle Sap đảo ngược dòng chảy là nguồn bổ sung tuyệt vời cho vườn ươm thủy sản trong hồ bằng chính những khu rừng ngập.
Nhưng cũng như năm ngoái, năm 2020 này nước về quá ít và quá muộn trong mùa mưa thường kéo dài 5 tháng từ tháng 6 đến tháng 10. Năm 2019, xung lũ chỉ xuất hiện vào giữa tháng 8 khiến các cửa sông cạn nước, thiếu oxi và làm hàng nghìn con cá chết.
Triệu chứng hạn hán xảy ra tương tự trong năm nay, dòng chảy mùa mưa sông Mê Kông quá yếu nên giữa tháng 8 mới đẩy dòng nhánh Tonle Sap chảy ngược vào hồ (thường thì chu trình này bắt đầu vào tháng 6).
Chuyên gia về Mê Kông thuộc Trung tâm Stimson Brian Eyler gợi lại tác động còn lớn hơn thảm họa năm ngoái đang lặp lại: “2,5 triệu ngư dân Tonle Sap mắc nợ nhiều hơn do lượng cá đánh bắt được rất thấp. Tình hình năm 2020 có lẽ còn tệ hơn. Vòng luẩn quẩn nợ nhiều và cá bắt được ít còn lặp lại nhiều lần cho đến khi nền kinh tế quanh hồ và có thể kinh tế Campuchia bắt đầu sụp đổ”.
Senglong Youk, trưởng nhóm về Tonle Sap thuộc tổ chức FACT (Fisheries Action Coalition) ước tính khoảng 20-30% ngư dân phải từ bỏ sinh kế để chuyển nghề.
Eyler theo dõi sát sao các con đập thượng nguồn ở Trung Quốc và nghiên cứu của anh xác nhận rằng “vào tháng 7, các con đập của Trung Quốc bắt đầu tích lượng nước chưa từng có trong khi các nước hạ nguồn hứng chịu đợt hạn hán tương tự năm ngoái”.
Chính phủ Trung Quốc và Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho rằng nguyên nhân chính của hán hán là lượng mưa quá thấp và hiệu ứng El Nino nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục rằng những nguyên trên còn xa mới sánh được với tham vọng nhanh chóng mở rộng thủy điện trong việc tàn sát nghư nghiệp ở hạ nguồn Mê Kông.
Một nghiên cứu công bố năm 2013 của chuyên gia Timo Rasanen thuộc Đại học Aalto khắc họa rõ tác động của các đập thượng nguồn tới hồ Tonle Sap vượt xa biến đổi khí hậu.
Ian Cowx, Giám đốc Viện nghiên cứu Thủy sản quốc tế(HIFI) thuộc Đại học Hull giải thích rằng trở ngại lớn nhất về lâu dài cho việc hồi phục thủy sản không phải biến đổi khí hậu hay hạn hán mà là các đập thượng nguồn.
“Mọi loài cá đều quen với các giai đoạn lũ và hạn hán. Vấn đề ở đây là dòng chảy giảm do các con đập của Trung Quốc, đập Hạ Sesan 2 [ở dòng nhánh sông Mê Kông tại Campuchia], và đập Don Sahong gây mất kênh dẫn Hou Sahong”.
Mọi con đập trên (không chỉ các đập của Trung Quốc mà cả đập Xayaburi do Lào xây dựng và đập Don Sahong do một tập đoàn của Malaysia xây dựng ở Lào) làm thay đổi dòng chảy thủy văn của sông mẹ và giảm đi xung lũ.
Vì đâu Mê Kông nên nỗi?
Nhiều nhà quan sát mong đợi vào vai trò của MRC – cơ quan tư vấn của bốn nước hạ nguồn Mê Kông sẽ giải quyết được tình hình. Nhưng sau rốt, MRC chỉ xác nhận sẽ bảo vệ môi trường.
Dù các nhà khoa học đưa ra rất nhiều cảnh báo về việc sông Mê Kông suy thoái, ngay cả nghiên cứu của MRC công bố năm 2018 mang tên Nghiên cứu Hội đồng cũng cảnh báo rằng phát triển thủy điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá cho tới năm 2040, khiến nguồn cá giảm mạnh. Theo dự báo, ngành thủy sản sẽ giảm 35-40 % vào 2020, 40-80% vào 2040.
Nhưng bằng chứng đáng báo động về tình trạng thủy sản giảm hàng loạt và đe dọa đến an ninh lương thực của 70 triệu người sống ở lưu vực Mê Kông không khiến các nước thành viên đưa ra bất kỳ tuyên bố hay hướng dẫn nào về việc hãm phanh thủy điện.
Marc Goichot, chuyên gia khu vực về tài nguyên nước ngọt thuộc WWF khẳng định: “Chúng tôi đã dự báo và chứng kiến thảm họa hình thành. Vấn đề không phải là hiểu biết khoa học kỹ thuật mà là quản trị. Chúng ta phải hành động khẩn cấp để cải thiện tình trạng dòng sông”.
Nhưng phản hồi từ Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC An Pich Hatda về cuộc khủng hàng tồi tệ chưa từng có với Tonle Sap là lời kêu gọi có thể đoán trước được đối với tất cả 6 nước Mê Kông, rằng “chia sẻ dữ liệu và thông tin hơn nữa về vận hành đập và các công trình liên quan đến tài nguyên nước một cách nhanh chóng và minh bạch”.
Goichot phân tích về tình trạng thiếu hành động cần thiết: “Thay vì tập trung vào cứu dòng sông, MRC đặt trọng tâm vào những hoạt động như thu thập thêm dữ liệu, giám sát và dự báo lũ, hạn hán và tham vấn. MRC có thể ngăn ngừa được cuộc khủng hoảng nhưng không thể biến điều này (giám sát và khoa học) thành các chính sách và kế hoạch hành động để ngăn chặn khủng hoảng”.
Điệp khúc lặp đi lặp lại mà Ban thư ký MRC đáp trả mọi chỉ trích là cơ quan này không có quyền lực chế tài và chỉ đóng vai trò điều phối thảo luận giữa các nước thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).
MRC giải thích rằng khi tham vấn xây dựng đập “chúng tôi tìm kiếm các biện pháp để tránh được, giảm thiểu và bù đắp những tác động tiêu cực xuyên biên giới có thể có từ bất kỳ dự án nào được đề xuất trên sông Mê Kông” ngay cả khi bằng chứng khoa học chỉ rõ rằng các con đập lớn gây ra thiệt hại không đo đếm được tới thủy sản nội địa, đa dạng sinh học và an ninh lương lực. Nhiều chuyên gia Mê Kông bác bỏ những giải pháp như thang cá, kế hoạch xả trầm tích vì thiếu căn cứ khoa học hoặc bằng chứng thành công với một con sông nhiệt đới.
Nhiều NGO cho rằng quá trình tham vấn các bên liên quan do MRC khởi xướng phớt lờ một điều hiển nhiên: Có nên xây đập hay không? Có nên có thêm con đập nào nữa khi thủy điện để lại dấu chân hủy hoại đến thế trên dòng sông này? Nhưng hướng dẫn của MRC lại không mở ra những câu hỏi như thế ở các diễn đàn tham vấn. Thiên kiến ngấm ngầm của MRC theo hướng chấp nhận các dự án đập khiến Tổ chức sông ngòi quốc tế (International Rivers) và các NGO môi trường tẩy chay những diễn đàn kiểu này.
“Chúng tôi không mong MRC đi chệch phận sự”, Goichot giải thích. “Nhưng quản trị tốt là phải cảnh báo các nước thành viên về sức nặng và tính khẩn cấp của cuộc khủng hoảng, hướng dẫn cách hành động trước tình trạng suy giảm nhanh về thủy sản và trầm tích, và cả đồng bằng đang chìm xuống nữa”.
Mê Kông sẽ lụi tàn?
GS Mauricio Arias thuộc Đại học Nam Florida và là chuyên gia thủy văn hàng đầu kết luận rằng các con đập xây dựng dọc sông Mê Kông River cùng với tác động từ biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược cho hệ sinh thái.
“Chúng ta đang chuyển từ dòng Mê Kông hoang dã sang một hệ thống sông khép kín tẻ ngắt và bất hoạt”, Arias chia sẻ, đồng thời cảnh báo bằng câu chuyện về sông Colorado cùng bị xây đập dày đặc ở Mỹ.
Có vẻ như MRC và các nước trong khu vực không màng đến việc Mê Kông đang đi vào vết xe đổ đầy bi kịch đó.
Senglong Youk rất lo lắng cho tương lai của sông Mê Kông: “Thật khó mà mơ đến việc phục hồi nghề cá ở Tonle Sap. Một số người chặt trộm rừng ngập lũ, những người khác coi hồ như một sân bóng đá khổng lồ”.
Một điều rõ ràng là tương lai u ám và tàn lụi khiến những người yêu mến Mê Kông thấy tuyệt vọng khi chúng ta phải vĩnh biệt dòng sông hùng vĩ tuôn chảy tự do.
Tuy nhiên, vẫn có một kịch bản khác với nhiều chữ “nếu” đi kèm. Nếu ý thức kinh tế chiếm ưu thế và tất cả các bên đều coi năng lượng mặt trời và năng lượng gió là con đường tốt nhất, và nếu các đập trên sông Mê Kông dự định xây dựng trong tương lai ở Lào bị đình chỉ vì lỗi thời thì kế hoạch phục hồi sẽ trở thành khả năng thực tế.
Việc xây dựng đập Luang Prabang, Pak Beng và những đập khác ở Lào giờ đây phụ thuộc phần lớn vào quyết định mua điện của Thái Lan. Nước này xây dựng và cấp vốn cho đập Xayaburi, đồng ý nhập khẩu tới 95% điện sản xuất ra. Nếu Bangkok không mua, gần như đập Luang Prabang không thể được triển khai, vì thế những người làm chính sách ở Bangkok có vai trò then chốt với số phận dòng Mê Kông.
Thái Lan là một trong những nước thặng dư năng lượng cao nhất trong khu vực, có lượng điện nhiều hơn 40% mức tiêu thụ thực tế. Các nhà phân tích độc lập tuyên bố con số này là khoảng 60%.
Dù điều gì xảy ra, triển vọng nghề cá Tonle Sap khôi phục được mức trung bình 300.000 tấn/năm là khó tưởng tượng. Goichot bình luận: “Tới giai đoạn này, cứu vãn những tổn thất đã gây ra cho Mê Kông rất tốn kém và cần nhiều thời gian nhưng không còn cách nào khác”.
Goichot ủng hộ Kế hoạch phục hồi khẩn cấp do WWF phát động nhằm vào đa dạng sinh học nước ngọt trên thế giới: “Kế hoạch này của WWF áp dụng cho cả hành tinh nhưng ở Mê Kông cấp thiết hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới”.
Trong khi đó, 2,5 triệu người như Senglong Youk khao khát có nguồn quỹ để cứu Biển Hồ. Nỗ lực này được nhiều cơ quan của Liên hợp quốc tham gia bảo tồn Tonle Sap quan tâm.
MRC giúp được gì chăng? Senglong Youk trả lời bằng “thông điệp cho MRC”: “Trước hết MRC có thể giúp đỡ bằng việc dừng xây đập thủy điện”.
Đây là một tiếng kêu cứu thường thấy trong các cộng đồng ven sông bị ảnh hưởng nhưng là quan điểm bị kiểm duyệt trong các diễn đàn tham vấn của MRC về đập.
Nhà sinh thái học, TS. Ngô Thế Vinh chỉ ra vai trò thiết yếu của Biển Hồ trong lịch sử Campuchia: “Sông Mê Kông và hồ Tonle Sap là nơi khai sinh nềm văn minh Khmer cổ đại cũng như hiện đại. Đáng tiếc rằng sự sống còn của hồ Tonle Sap đang bị đặt dấu hỏi”.
Tổ tiên người Campuchia sẽ đánh giá những người ra quyết định hiện nay thế nào khi gây hại cho Tonle Sap bằng việc xây dựng đập Hạ Sesan 2 ở một dòng nhánh quan trọng của sông Mê Kông? Họ nghĩ gì về MRC chăm chăm vào dữ liệu và giám sát hơn là hành động?
Tầm quan trọng của Biển Hồ được gán cho danh xưng mỹ miều là “trái tim đang đập của Campuchia” nhưng những người có quyền ra quyết định nhưng khát thủy điện ở các nước thành viên của MRC có vẻ không quan tâm đến tình trạng nguy kịch của Tonle Sap.
Liệu chính phủ Campuchia, MRC và các nước tài trợ có đưa ra được kế hoạch cấp cứu kỳ quan thế giới này và giữ cho trái tim của sông Mê Kông tiếp tục đập? Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kho báu của Campuchia thì đây thực sự là lời vĩnh biệt đối với dòng Mê Kông hùng vĩ.
Nhật Anh (Theo Thediplomat)