BVR&MT – Môi trường tự nhiên bị thu hẹp, mất đa dạng sinh học, săn bắn trái phép động vật hoang dã và biến đổi khí hậu là những vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Để cải thiện tình hình hiện tại, các nhà khoa học cần tích hợp nhiều hơn nữa các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn.
Đó là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu: “Integrating technologies for scalable ecology and conservation” (Tích hợp khoa học công nghệ trong bảo tồn và sinh thái học quy mô lớn) công bố trên Tạp chí Global Ecology and Conservation.
Nhóm các chuyên gia, gồm các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đã thực hiện nghiên cứu tích hợp nhiều công nghệ khác nhau vào các hoạt động bảo tồn và nhận thấy rằng cách thức này giúp tăng khả năng theo dõi, giám sát các mô hình sinh thái khác nhau trên quy mô lớn, trong thời gian dài và cho phép bảo vệ chính xác hơn các khu vực bị đe dọa cũng như giúp giảm thiểu các thiệt hại.
Các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh rằng phương pháp thống kê thực địa truyền thống và các hoạt động lấy mẫu khác vẫn luôn là công cụ vô cùng quan trọng để có thể tìm hiểu các chu trình và chức năng của các hệ sinh thái ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, khảo sát thực địa rất tốn kém, đặc biệt là phải duy trì định kỳ trong thời gian dài và việc thống kê cũng khó có thể thực hiện ở những khu vực xa xôi, địa hình phức tạp.
Các công nghệ mới có thể giúp khắc phục những trở ngại này và sẽ đặc biệt hiệu quả khi sử dụng kết hợp nhiều công cụ, công nghệ với nhau. Viễn thám hàng không và viễn thám vệ tinh, thiết bị giám sát không người lái, bẫy ảnh, công cụ đồng bộ hóa hóa và xử lý dữ liệu như Công cụ Giám sát và Báo cáo không gian (SMART) là một trong những công nghệ mà nhóm nghiên cứu cho rằng có thể kết hợp để tăng tính “đa chiều” cho nỗ lực thu thập dữ liệu của các nhà nghiên cứu sinh thái và các nhà bảo tồn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: “Hầu hết các công nghệ này đều có giá thành thấp hoặc là các phần mềm mã nguồn mở, do vậy khi triển khai sẽ không tốn kém, rất hiệu quả về mặt kinh tế. Quá trình thu thập dữ liệu lâu dài, trên quy mô lớn với các công nghệ này sẽ giúp thu thập các dữ liệu về cả không gian và thời gian, từ đó có thể đánh giá, nhận biết dấu hiệu của những hiểm họa mà các hệ sinh thái tự nhiên sắp phải đối mặt, giúp đưa ra các chiến lược bảo tồn hiệu quả hơn.”
Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc kết hợp các giải pháp công nghệ hiện tại có thể giúp theo dõi động vật hoang dã, ngăn chặn các hoạt động săn bắt động vật và khai thác gỗ trái phép cũng như giảm thiểu những xung đột giữa con người và động vật hoang dã.
Nghiên cứu dẫn ví dụ về hình thức theo dõi, giám sát ở các khu bảo tồn. Theo đó, công tác điều tra, giám sát hiện trường ở các khu bảo tồn trên thế giới đều do kiểm lâm hoặc nhân viên khu bảo tồn thực hiện. Những cuộc tuần tra như vậy thường phục vụ nhiều mục đích, từ nghiên cứu, giám sát sự tuân thủ pháp luật, đến đánh giá các vi phạm, và thu thập dữ liệu. Hoạt động này thường được thực hiện nhờ kết hợp sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng, các thiết bị di động, GPS và máy ảnh. Tất cả các dữ liệu này sẽ được cung cấp cho các nhà quản lý khu bảo tồn nhằm lập các kế hoạch tuần tra tiếp theo và đưa ra các chiến dịch bảo tồn.
SMART là một nền tảng phần mềm mã nguồn mở được phát triển đặc biệt để nâng cao hiệu quả tuần tra hiện trường và quản lý các khu bảo tồn. Công cụ này đã được triển khai tại 213 địa điểm ở 40 quốc gia vào tháng 8/2015 và chính phủ một số quốc gia thậm chí đã sử dụng phần mềm như là một tiêu chuẩn để giám sát thực thi pháp luật. Theo đó, đội tuần tra sẽ thu thập dữ liệu từ thực địa bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, sau đó tải dữ liệu thông qua SMART. Việc làm này giúp nhân viên khu bảo tồn truy vấn thông tin về không gian và các hoạt động tuần tra, cũng như theo dõi các hoạt động của con người, động vật hoang dã.
Các công cụ viễn thám có thể bổ sung dữ liệu cho SMART, đặc biệt là thông tin về những khu vực mất rừng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: Khi xác định được những thay đổi của một khu vực, các hình ảnh tham chiếu địa lý sẽ được gửi đến các đơn vị thực thi pháp luật để họ tiến hành kiểm tra thực tế và có hành động theo dõi, giám sát. Biện pháp này rất hữu ích trong việc phát hiện mất rừng và suy thoái rừng ở nhiều phạm vi khác nhau từ nhỏ (10.000 ha) đến rất lớn (> 10.000 ha).
Nếu các khu vực bị ảnh hưởng quá xa và không thể tiến hành các cuộc tuần tra, hệ thống thiết bị không người lái có thể được gửi đi để chụp lấy các hình ảnh từ trên không với độ phân giải cao, nhờ vậy các cơ quan chức năng có thể theo dõi lâm tặc trong các khu bảo tồn, thậm chí có thể thu thập bằng chứng để buộc tội những đối tượng phá rừng.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các công nghệ này cũng có những hạn chế nhất định và không phải mọi hoạt động giám sát từ xa sẽ diễn ra theo đúng kịch bản đề ra. Ví như các thiết bị giám sát không người lái thường bị giới hạn bởi trọng tải, hạn chế về quãng đường và thời gian có thể bay sau mỗi lần sạc pin. Các vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao thường khó tiếp cận hoặc giá thành quá đắt đỏ và cần sự phối hợp giữa các nhà bảo tồn và các đối tác phát triển, khai thác vệ tinh.
Theo nhóm nghiên cứu, khoa học công nghệ đang cải thiện từng ngày và dần dần sẽ khắc phục được các nhược điểm của các công cụ trên. Tuy nhiên, điều tối quan trọng là các nhà bảo tồn phải làm quen với tất cả các nhược điểm của các công nghệ mới mà họ đang xem xét triển khai. Đôi khi, một số nhược điểm có thể chỉ cần khắc phục bằng cách đơn giản là đầu tư đào tạo thêm cho từng cá nhân.
Nghiên cứu khuyến khích các nhà bảo tồn tiếp tục nắm bắt và kết hợp các công nghệ mới với phương pháp truyền thống để nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo tồn. Áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng khoa học sinh thái và quản lý bảo tồn.
Bích Ngọc/Mongabay