Thay thế cây phong bằng cây bàng lá nhỏ liệu có phải là tối ưu nhất?

BVR&MT – Sau 3 năm, gần 300 cây phong lá đỏ trên phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh vốn được nhiều người dân mong đợi sẽ trở thành một “châu Âu thu nhỏ” giữa lòng thủ đô nhưng đến nay kết quả thực tế lại rất đáng buồn. Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế hàng cây phong lá đỏ bằng cây bàng lá nhỏ. Tuy nhiên phương án này liệu đã là phù hợp nhất hay chưa? Phóng viên Tạp chí bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với Ông Nguyễn Phú Hùng – Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Hàng phong chết khô trên “con đường đẹp nhất Việt Nam” gây mất mỹ quan đô thị.

Hà Nội thay thế hàng cây phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ

Ngày 5/4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa đồng ý với đề xuất thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ. Trong số 262 cây phong trồng trên 2 tuyến đường của Hà Nội do một doanh nghiệp tặng và được trồng từ năm 2018; tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây đến nay đã có 45 cây chết, còn lại hơn 200 cây sống nhưng sinh trưởng và phát triển kém, rất hiếm mới thấy một cành cây có thể phát triển tốt.

Xem thêm:

Hà Nội: Trồng cây bàng lá nhỏ thay thế hàng phong lá đỏ chết khô

Nhìn lại 3 năm trước, người dân thủ đô đã đón đợi vào sự phát triển của hàng cây Phong lá đỏ. Hà Nội từng được kỳ vọng biến tuyến phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh được như một tuyến phố “Châu Âu giữa lòng Hà Nội”. Nhưng với nỗ lực chăm sóc từng ngày, dùng nhiều biện pháp cứu chữa bệnh cho cây, sau nhiều lần “chết đi sống lại”, sắp tới sẽ được thay thế hoàn toàn. Dự kiến, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới này sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Qua trao đổi với TS. Nguyễn Phú Hùng, Chuyên gia ngành lâm nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững có thể nhận thấy rằng thực trạng trên xảy ra là điều dễ hiểu do cây phong thường phân bố tại những vùng có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng trái ngược với nước ta.

Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp: Cây phong ưa khí hậu lạnh và khô.

 “Cây phong ưa khí hậu lạnh và khô, phổ biến tại các vùng Đông Bắc Mỹ, Ca Na Đa còn Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa với nền nhiệt độ cao, ẩm cao và mưa nhiều; điều này đã làm giảm khả năng sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó đây cũng là loài cây dễ bị sâu bệnh tấn công, cộng với điều kiện khí hậu không phù hợp đã dẫn đến tình trạng như hiện nay.”, ông Hùng chia sẻ .

Về việc TP Hà Nội sẽ tiến hành trồng mới cây bàng lá nhỏ thay thế, ông Hùng cho rằng đây chưa thực sự là phương án tối ưu, hợp lý nhất với tuyến đường này. Đây là hay tuyến đường lớn, rộng, dài của thủ đô.

 “Trước tiên cần quan tâm tới mục đích trồng cây. Nếu trồng để che nắng, điều hòa không khí ở hai tuyến đường này thì sẽ không đạt hiệu quả cao bởi cây bàng lá nhỏ là loài cây gỗ trung bình, chiều cao khoảng 6 – 7m, lá nhỏ, tán thưa, phát triển từng tầng. Còn trồng để tạo cảnh quan thì tương đối phù hợp, một số tuyến đường Hà Nội đã trồng loài cây này, cây sinh trưởng tốt”, ông Hùng cho biết.

Trồng cây bản địa phù hợp với môi trường ở Việt Nam

Ông Hùng cho rằng nên trồng các loài cây gỗ lớn bởi hai con phố này có vỉa hè rộng, nhiều nhà cao tầng, mật độ xe cộ lưu thông đông. Ông cũng lưu ý nên trồng các loài cây bản địa, đã thích nghi với điều kiện môi trường ở Việt Nam nên sẽ sinh trưởng tốt, đảm bảo cả hai yếu tố vừa tạo cảnh quan đẹp vừa tạo bóng mát, điều hòa không khí cho con đường.

Nhiều chuyên gia ngành lâm nghiệp đã chia sẻ những quan điểm liên quan đến việc Hà Nội có phương án thay thế hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ.

Theo Các chuyên gia để tránh tình trạng trồng cây không đem lại kết quả gây lãng phí và dư luận nhiều ý kiến trái chiều thì trước khi tiến hành triển khai cần phải lưu ý đến các yếu tố như mục đích, điều kiện sinh trưởng của cây và điều kiện tự nhiên, đặc biệt là điều kiện lập địa tại địa điểm dự kiến trồng.

Đơn cử như việc trồng cây phong lá đỏ vừa qua khi đưa và trồng đã mang lại kết quả không ai mong muốn. Việc thay thế cây phong lá đỏ tại hai tuyến đường trên đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, đến nay gần 300 cây phong lá đỏ từng được kỳ vọng biến tuyến phố này như “Châu Âu giữa lòng Hà Nội” nay héo mòn, nhiều cây rơi vào tình trạng chết khô. Chúng ta, phải nhìn nhận vào vấn đề thực tiễn điều kiện khí hậu, khả năng sinh trưởng, sinh học của từng loài cây trước khi đưa vào trồng số lượng lớn.

Đường Phan Đình Phùng nổi tiếng với hai hàng cây sấu cùng trên một vỉa hè luôn rợp bóng mát vào mùa hè.

Tuy nhiên, Ông Hùng lại mong muốn trồng những cây có nguồn gốc bản địa thay vì các giống cây nước ngoài. Tại Hà Nội có nhiều con đường đẹp với những hàng cây xanh cả trăm năm tuổi như đường Hoàng Diệu với hàng cây xà cừ lâu năm, đường Phan Đình Phùng với nhiều hàng sấu cổ thụ hay đường Thanh Niên, Đinh Tiên Hoàng. Những loài cây được trồng ở các tuyến đường nêu trên đều là loài cây bản địa hoặc phù hợp với điều kiện tự nhiên tại thành phố Hà Nội nên có thể sinh trưởng và phát triển lâu dài, tốn ít công sức chăm sóc.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng 2 tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng đẹp nhất thủ đô. Thành phố Hà Nội nên tổng kết, xem xét những ý kiến xem trồng cây gì phù hợp với cảnh quan đô thị tại tuyến phố, không chỉ cho một vài chục năm mà cả trăm năm sau, tránh tình trạng trồng được một số năm thấy không đạt được mục tiêu lại mang phá bỏ.

Lê Dương – Văn Trì.