Thay đổi nhiên liệu để chống biến đổi khí hậu

BVR&MT – Biến đổi khí hậu cực đoan đã và đang buộc các quốc gia phải có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là điều kiện cho sự ra đời của việc thay đổi nhiên liệu dùng làm chất đốt, thay thế nguồn năng lượng gia tăng phát thải nhà kính, trong đó viên nén và dăm gỗ là thị trường nhiều tiềm năng. Điều này buộc các doanh nghiệp ngành gỗ phải lựa chọn để phát triển bền vững…

Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tavico (Đồng Nai).

Chuyển đổi để đạt mục tiêu Net-Zero

Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu mức phát thải Net-Zero vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị định số 06/2022/NĐ-CP yêu cầu các cơ sở sản xuất có mức phát thải cao cũng như các bộ, ngành phải giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thiết kế các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng thị trường tín chỉ các-bon trong nước.

Sự vận hành của thị trường này trong tương lai cho phép giao dịch tín chỉ các-bon giữa các đơn vị có mức phát thải vượt mức cho phép và các đơn vị có mức phát thải dưới hạn ngạch và các đơn vị đầu tư hình thành tín chỉ các-bon. Chính phủ xây dựng các chính sách hiện nay tập trung vào các cơ sở có mức phát thải cao, chủ yếu là ngành công nghiệp nặng như năng lượng, sản xuất hóa chất công nghiệp, vận tải.

Những hoạt động hiện chưa được quan tâm là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ trong lĩnh vực như dệt, nhuộm, chế biến bia, nước ngọt, hệ thống lò sấy… có sử dụng nồi hơi công nghiệp. Nhiều cơ sở sử dụng nguồn than đá để vận hành hệ thống nồi hơi. Mặc dù tới nay chưa có con số thống kê về số lượng, công suất của các nồi hơi cũng như tổng lượng nguyên liệu than đá đang được sử dụng để vận hành hệ thống nồi hơi, nhưng các chuyên gia ước tính lượng than đầu vào đang được sử dụng là khá lớn. Việc chuyển đổi nguồn than đầu vào của các cơ sở này sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải ở quy mô quốc gia.

Ngành viên nén và dăm gỗ của Việt Nam phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Các phế phụ phẩm của ngành gỗ như cành củi, ngọn cây, mùn cưa, dăm bào… được đưa vào sản xuất viên nén. Khoảng 95% lượng viên nén sản xuất tại Việt Nam (tương đương hơn 4 triệu tấn) được sử dụng để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Viên nén xuất khẩu được sử dụng làm nhiên liệu đầu vào, thay thế một phần cho lượng than đá đang được sử dụng để sản xuất điện tại các quốc gia này. Khoảng 5% tổng lượng cung viên nén đang được sử dụng nội địa, chủ yếu đưa vào hệ thống nồi hơi của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ trong một số lĩnh vực đề cập ở trên.

Mặc dù Chính phủ chưa yêu cầu các cơ sở quy mô nhỏ này phải giảm phát thải, một số cơ sở đã tiên phong, tự nguyện thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng than đá sử dụng cho hệ thống nồi hơi của mình sang viên nén gỗ.

Nhiều cơ sở đã và đang chuyển đổi nằm trong chuỗi cung toàn cầu, thí dụ các nhà cung ứng cho các hãng hàng lớn như Adidas, Nike, Samsung…; một số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp nơi có các cam kết về phát thải thấp, chuyển đổi xanh…

Sản phẩm dăm gỗ cũng đang được nhà sản xuất quan tâm để phục vụ làm chất đốt thay thế nhiên liệu tăng phát thải nhà kính. Dư địa sử dụng viên nén và dăm gỗ tại thị trường nội địa và xuất khẩu là rất lớn. Tuy nhiên, dư địa này không tự hình thành mà cần có các cơ chế, chính sách và các hành động cụ thể để hình thành nhu cầu thị trường thông qua các cơ chế bắt buộc hoặc khuyến khích các cơ sở sản xuất kịp thời chuyển đổi.

Đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu thay thế

Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đưa ra các mục tiêu chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15-20% năm 2030 và 65-70% năm 2045.

TS Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, để giảm phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu cần đáp ứng yêu cầu về môi trường góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ. Thông qua đó, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh, nâng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; nếu Việt Nam làm tốt công tác quy hoạch về trồng và khai thác rừng và kết hợp phế thải nông nghiệp thì có thể ổn định nguồn cung và giúp giảm giá thành sản xuất năng lượng.

TS Tô Xuân Phúc của tổ chức Forest Trends nhận xét, một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu viên nén là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Muốn giải quyết các khó khăn này, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng. Về xuất khẩu, dự kiến nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có nhiều biến động trong thời gian tới. Do vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường tại các khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ cũng như thị trường trong nước để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Doanh nghiệp cần xem xét đầu tư vào vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng để tránh tình trạng cạnh tranh căng thẳng dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao. Các chuyên gia dự báo, cạnh tranh giữa viên nén xuất khẩu và tiêu thụ nội địa có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai không xa. Sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén cũng như với các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh một loạt dự án nhà máy viên nén, dăm gỗ được xây dựng trong vòng 3 đến 5 năm tới. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu trong tương lai. Chính phủ và các cơ quan quản lý có liên quan cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp, chế biến gỗ và người trồng rừng nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững…

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ