“Tăng trưởng xanh” – Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới

BVR&MT – Ngày 01/12, nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh hiệu quả, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo: “Lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh” tại Hà Nội.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cùng chia sẻ, thảo luận, trình bày ý kiến về việc lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế phát triển bền vững, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành, các lĩnh vực tại địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường tự nhiên, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Ông Lê Viết Thái, chuyên gia GIZ đã trình bày cách tiếp cận cho việc lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong việc chuyển đổi công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó cần chú ý tới tính đặc thù của các vùng miền (cả sản xuất và tiêu dùng), ví dụ như: phương thức sản xuất ở từng vùng miền để có phương pháp áp dụng hợp lý, có hiệu quả.

Ông Trần Đại Nghĩa, trưởng Bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Trần Đại Nghĩa, trưởng Bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn đã đưa ra các Giải pháp lồng ghép nhiệm vụ Chiến lược tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh như: triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững” thông qua đổi mới và nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao hiệu quả và năng suất, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên có sẵn; Chuyển dịch và tái cấu trúc trong nông nghiệp theo hướng “kinh tế xanh”, sản xuất xanh sạch theo hướng phát triển bền vững; Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối giữa sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm và Duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế, hòa hợp với thiên nhiên, văn hóa của từng vùng miền.

Tại Hội thảo Một số vấn đề cấp bách trong nội dung xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững cũng được đưa ra đó là ô nhiễm không khí khói bụi, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt, nước thải và chất thải rắn y tế, không gian xanh. Đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp sạch.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia kinh tế độc lập trình bày về vấn đề lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nêu mục tiêu chung về chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia đó là thực hiện tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các – bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, đa số các đại biểu đều đồng tình với phương pháp tiếp cận của báo cáo và đánh giá báo cáo chứa đựng nhiều thông tin và có số liệu cụ thể. Các đại biểu cho rằng các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng môi trường, mức độ ô nhiễm, nhất là phát thải khí nhà kính để cải thiện tình hình. Xây dựng thói quen sinh hoạt và xử lý rác thải triệt để xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất xanh và lối sống phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, cần có các phương án phù hợp, khuyến khích để ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng, phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nên triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh ở chính quyền cấp tỉnh.

Thạch Thảo – Ngọc Thăng