BVR&MT – Sau một thời gian lắng xuống, vừa qua, trên nhiều diện tích rừng mỡ của người dân Bắc Kạn lại tái xuất hiện sâu ong gây hại. Dịch sâu hại đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng Bắc Kạn chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu để xử lý dứt điểm.
Những ngày này đi qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, không khó để thấy nhiều diện tích rừng mỡ trụi lá do bị sâu ong gây hại. Trên một nhánh cây mỡ trung bình có hàng chục con sâu ong màu vàng, nhung nhúc bám, ăn lá mỡ non. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới, xã Hòa Mục hiện có khoảng 20ha rừng đang bị sâu ong gây hại. Trong đó 12ha bị nhiễm nhẹ, 5ha nhiễm trung bình và 3ha nhiễm nặng tại các thôn Nà Tôm, Bản Vọt, Bản Đồn.
Sâu ong gây hại nặng cho cây mỡ chỉ sau một thời gian ngắn, nhưng người dân chưa có biện pháp diệt trừ hiệu quả. Phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn hiện có khoảng 800ha mỡ, thì nhiều diện tích đã bị sâu ong gây hại với mật độ trung bình 50 con/cây. Các hộ gia đình chật vật tìm cách tiêu diệt sâu ong gây hại. Với những cây mỡ 1-2 năm tuổi cao chưa quá đầu người, người dân dùng biện pháp bắt thủ công. Còn những cây mỡ đã cao quá đầu người thì không có cách nào xử lý được.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuất Hóa thành phố Bắc Kạn Vi Công Suất cho biết, biện pháp phun thuốc không hiệu quả do đồi gỗ mỡ của các hộ gia đình ở xa, cao, nên khó khăn trong việc pha thuốc phun, bình thì nặng, sức người không làm được. Để giảm số lượng sâu ong gây hại cây mỡ, phường khuyến cáo người dân bắt thủ công, đỡ được ít nào hay ít ấy. Hiện tại, sau 2 tuần gây hại liên tục thì sâu đã trưởng thành, phần lớn đã chui xuống đất để đẻ trứng và sẽ tiếp tục gây hại trong thời gian tới.
Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn, sâu ong hại cây mỡ có lứa trưởng thành xuất hiện từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2022. Sâu non gây hại vào giữa và cuối tháng 3. Tổng diện tích bị nhiễm hơn 32ha ở các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Mới, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn. Trong đó, diện tích bị nhiễm nặng hơn 9ha. Mật độ nhiễm từ 20-25 con/cây, mức cao từ 200-300 con/cây, cá biệt 500 con/cây. Sau thời gian gây hại, sâu ong bắt đầu bước vào giai đoạn nhộng dưới đất và sẽ hình thành các lứa sâu mới trong thời gian tới.
Đây không phải là lần đầu tiên dịch sâu ong hại mỡ xuất hiện tại Bắc Kạn. Từ những năm 2010, dịch bắt đầu bùng phát, kéo dài liên tục qua các năm, có thời điểm lan rộng trên diện tích hàng nghìn ha, gây thiệt hại nặng cho quá trình sinh trưởng của cây. Sâu sinh sôi nhanh, khi trưởng thành mỗi con đẻ hàng trăm trứng, nở thành sâu ăn lá, bò xuống ẩn nấp dưới mặt đất. Chúng phát triển không theo chu kỳ nhất định, tại một vạt rừng, có những đàn sâu vừa gây hại, đẻ trứng trên lá cây, có đàn lại đang ẩn nấp dưới mặt đất.
Trong một năm sâu ong có từ 1 đến 4 lứa gây hại. Rừng mỡ khép tán có mật độ sâu gây hại cao hơn so với rừng chưa khép tán.
Bắc Kạn đã rất nỗ lực tìm các biện pháp phòng trừ sâu ong, nhưng rất khó triển khai trên diện rộng. Hiệu quả nhất là biện pháp “bẫy vàng” theo các độ cao từ 1m-3m và mật độ từ 200 bẫy/ha đến 400 bẫy. Mật độ ổ trứng tại các lô treo bẫy vàng giảm 70 – 80 % so với diện tích đối chứng. Nhưng chi phí thực hiện bằng biện pháp này khá lớn, vào khoảng 4 triệu đồng/ha, rất khó để triển khai diện rộng.
Phó Chi cục trưởng Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn Hoàng Thanh Bình cho biết, diện tích rừng mỡ của tỉnh lớn, thuần loài, nhưng lại trồng không đồng đều về thời gian dẫn tới ở một vùng có những diện tích có năm tuổi khác nhau. Vì vậy, sâu ong lúc nào cũng có thức ăn là lá của những cây có độ tuổi từ 3-4 năm. Thời điểm diệt trừ hiệu quả nhất là thời kỳ sâu làm nhộng dưới đất, nhưng lúc này chỉ có thể dùng biện pháp thủ công là đào đất để diệt. Biện pháp này quá mất công, không theo kịp tốc độ phát triển của nhộng. Trong khi đó, phun thuốc diệt trừ cũng rất khó do phần lớn diện tích rừng ở cao, xa, không có nguồn nước, chi phí lớn.
Để phòng trừ sâu ong lan rộng, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn khuyến cáo người dân phát quang rừng, tỉa cành mỡ. Đối với những diện tích rừng thấp thực hiện biện pháp thủ công, như: nhặt, bắt sâu non đem tiêu hủy. Nếu mật độ sâu cao tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc trừ sâu, như: Gà nòi 95SP, Japenra 666EC… bằng máy phun điện, động cơ. Rắc các loại thuốc Patox 4GR, Wofadan 4RG… khi sâu chuẩn bị di chuyển theo thân cây xuống đất để hóa nhộng. Không sử dụng thuốc hóa học đối với những diện tích gần khu dân cư, nguồn nước.
Bắc Kạn hiện có khoảng 30- 40 nghìn ha rừng mỡ, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích rừng trồng cả tỉnh. Diện tích này duy trì khá ổn định do cây mỡ sau khai thác sẽ tiếp tục mọc chồi thành cây mới. Tuy nhiên, dịch sâu ong gây hại liên tục qua các năm mà chưa có biện pháp nào thật sự hữu hiệu đang đe dọa tới những diện tích này, cần sớm tìm ra giải pháp.