BVR&MT – Các đập thủy điện thường gợi lên hình ảnh về những “gã khổng lồ” như Grand Coulee ở bang Washington hoặc đập Tam Hiệp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc – hai nhà máy thủy điện lớn nhất hiện nay, tuy nhiên, bên cạnh những dự án quy mô còn có hàng chục nghìn đập thủy điện nhỏ trên khắp thế giới và con số này có thể tăng lên đáng kể trong tương lai. Điều gây ngạc nhiên hơn là mặc dù được xây dựng dọc theo các con suối, dòng sông hoặc lưu vực sông, song lại rất ít nghiên cứu xem xét đến những tác động môi trường mà chúng gây ra cũng như sự thiếu hụt và tính không nhất quán của các chính sách hoặc quy định về đập nhỏ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington vừa công bố đánh giá quan trọng đầu tiên về các đập thủy điện nhỏ trên thế giới bao gồm cả tiềm năng phát triển của chúng và nhấn mạnh sự khác biệt đáng kinh ngạc trong cách phân loại, điều chỉnh cũng như nghiên cứu về các con đập này.
“Chúng tôi đã xác định được một số khoảng trống quan trọng về mặt chính sách và khoa học cần được lấp đầy để quản lý các đập thủy điện nhỏ tốt hơn và cần phải dựa trên căn cứ khoa học để ban hành các chính sách về đập nhỏ”, tác giả Thiago Couto, Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Thủy sản, Đại học Washington cho biết.
Dù đập lớn hay nhỏ thì đều có khả năng làm thay đổi lưu lượng nước của dòng sông, nhiệt độ, trầm tích và các hình mẫu về đa dạng thực vật và động vật. Các yếu tố này từ lâu đã được nghiên cứu đối với đập lớn nhưng hầu hết lại bị bỏ qua đối với đập nhỏ, đặc biệt là việc xem xét các tác động tích lũy của nhiều đập nhỏ trong một hệ thống sông.
Nghiên cứu cũng cho thấy hiện có gần 83.000 nhà máy thủy điện nhỏ đang hoạt động hoặc đang được xây dựng ở 150 quốc gia. Cứ 10 đập lớn thì có 10 đập nhỏ tồn tại.
Đập nhỏ có thể có nhiều hình thức khác nhau. Một số được xây dựng theo hướng tích nước trong hồ chứa và xả xuống hạ lưu trong khi số khác chuyển nước trực tiếp từ các con sông vào nhà máy phát điện. Một trong những trở ngại đối với các nhà nghiên cứu khi tiến hành tổng hợp số liệu về đập nhỏ là các quốc gia đưa ra những định nghĩa khác nhau về loại hình đập này. Điều này cũng có nghĩa là không có tiêu chuẩn quốc tế để phân loại và so sánh đập. Thêm vào đó , tính từ “nhỏ” ở đây dường như được giả định hoặc hàm ý việc ít gây tác động đến môi trường mặc dù điều này chưa được kiểm chứng rộng rãi trong thực tế.
Không chỉ bất nhất về mặt khái niệm, các quốc gia còn thường phân loại đập nhỏ chỉ dựa trên tiêu chí công suất, tức mức năng lượng mà chúng tạo ra, do đó các yếu tố khác dễ bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định cấp phép và điều này vô tình gây thêm các tác động tiêu cực đến môi trường. Đơn cử tại Braxin, có những đập thủy điện nhỏ tuy sản xuất ra cùng một lượng điện nhưng chúng lại sở hữu những hồ chứa có kích thước rất khác nhau.
Julian Olden, Chuyên gia cao cấp kiêm Giáo sư Khoa Khoa học Thủy sản, Đại học Washington nhận định: “Thật khó để tìm ra những bài báo khoa học định lượng một cách chính xác các tác động riêng lẻ và tích lũy của thủy điện nhỏ. Đây là một biên giới nghiên cứu quan trọng cho tương lai… Các đập thủy điện lớn thường gây ra những tác động môi trường lớn hơn, song với sự phát triển nhanh chóng của thủy điện nhỏ, nhiều con sông của chúng ta có thể bị cắt xẻ thành nhiều đoạn”.
Xu hướng phát triển đập nhỏ vốn bắt đầu từ châu Âu vào giữa những năm 1980 và phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây. Các con đập này được xem là mô hình lý tưởng cho khu vực nông thôn vì chúng không cần kết nối với hệ thống lưới điện mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân và doanh nghiệp. Kết quả là nhiều chủ đất và các công ty tư nhân có thể tận dụng sự dễ dàng này trong việc xin cấp phép xây dựng các đập nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều so với đập lớn.
Các nhà nghiên cứu khẳng định cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu về những tác động tiềm ẩn của đập nhỏ đối với cảnh quan, môi trường. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi điều đó, họ ủng hộ một định nghĩa về tiêu chuẩn đối với các đập “nhỏ” cần bao gồm nhiều yếu tố hơn thay vì chỉ đề cập đến công suất/khả năng phát điện để các quy định và chính sách về loại đập này được áp dụng một cách chặt chẽ hơn.
Và tin vui là bắt đầu từ mùa xuân năm nay, một nghiên cứu do Giáo sư Mason Keeler Endowed và Tổ chức CNPq (Khoa học không biên giới) tài trợ đã bắt tay vào việc tìm hiểu về ảnh hưởng của nhiều đập thủy điện nhỏ ở miền nam Brazil đối với hệ sinh thái vùng này.
Đỗ Hiếu (Theo sciencedaily.com)