BVR&MT – Chiếm dụng nguồn nước (water grabbing) là tình trạng các tổ chức công hoặc tư thâu tóm, kiểm soát hoặc tái phân bổ nguồn nước vì mục đích lợi nhuận hoặc quyền lực, trong khi các cộng đồng dân cư và hệ sinh thái trong khu vực phải chịu ảnh hưởng. Các tác động của tình trạng này đã được ghi nhận, chẳng hạn như hàng loạt các hộ gia đình buộc phải di cư nhường chỗ cho việc xây dựng các đập thủy điện lớn. Tư nhân hóa nguồn nước làm hạn chế tiếp cận nguồn nước của cộng đồng, trong khi các hoạt động sản xuất công nghiệp càng làm suy giảm chất lượng nước.
Đây là nhận định từ cuốn sách “Water grabbing- a Story of Water” (Chiếm dụng nguồn nước – Một câu chuyện về nguồn nước), mới được xuất bản từ dự án do Trung tâm Báo chí Châu Âu (EJC) tài trợ, phác họa lịch sử và ảnh hưởng của đập thủy điện tại một số khu vực trọng điểm trên khắp thế giới.
Năng lượng từ nguồn nước
Các ngành công nghiệp sử dụng nước trong quá trình sản xuất năng lượng bao gồm thủy điện, nhiệt điện và năng lượng hạt nhân. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng nước một cách gián tiếp, chủ yếu qua hoạt động làm mát. Ước tính, khoảng 583 tỷ m3 nước đã được sử dụng trong sản xuất năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện, tương đương 15% lượng nước được khai thác. Trong đó, khoảng 66 tỷ m3 nước không được trả về nguồn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến năm 2035, mức độ khai thác nguồn nước dự kiến sẽ tăng 20% và lượng nước sử dụng để sản xuất năng lượng sẽ tăng 85%, với xu hướng xây dựng các đập thủy điện khai thác ít nước nhưng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn trên mỗi đơn vị công suất điện được sản xuất.
Cùng lúc đó, việc gia tăng khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ năng lượng để làm mát có thể đồng thời dẫn đến rủi ro cạn kiệt nguồn nước, khiến các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch bị thiếu hụt nguồn năng lượng.
Trong khi đó, các nhà máy thủy điện sử dụng trực tiếp sức nước để sản xuất điện chiếm khoảng 16,4% tổng năng lượng toàn cầu. Năm 2016, 57.000 đập thủy điện lớn nhỏ, từ quy mô lớn cho đến các thủy điện mini đã đạt tới tổng công suất 1.064 gigawatt điện.
Mặc dù thủy điện được cho là chiếm 70% nguồn năng lượng sạch trên thế giới với lượng phát thải ít hơn so với các nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng từ các dự án thủy điện không hoàn toàn tích cực, đặc biệt khi thủy điện được xây dựng không cân nhắc tác động đến con người và môi trường xung quanh.
Tại Bắc Mỹ, nhiều đập thủy điện xây dựng từ những năm 1980 hiện đã bị phá hủy do ảnh hưởng tiêu cực đối với các loài cá, đặc biệt là cá hồi. Một số khu vực được thay thế bằng các đập hiện đại hơn mà không yêu cầu các hồ chứa lớn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác trên thế giới, việc xây dựng các đập thủy điện vẫn đang tiếp diễn.
Những công trình “siêu đập”
Đập nước đầu tiên được xây dựng trong khoảng năm 2950 đến 2750 trước Công nguyên tại Ai Cập với mục đích trữ nước cho nông nghiệp. Đây vốn được xem là mục tiêu chính của đập cho tới cuối thế kỷ 19 sau Công nguyên. Cuối thế kỷ 18, khi nguồn nước bắt đầu được khai thác để sản xuất điện năng, các đập thủy điện lớn đầu tiên bắt đầu được được xây dựng: Đập Aswan tại Ai Cập (1902), Đập Hoover tại Mỹ (1932).
Ước tính hiện nay, thế giới có tổng hơn 900.000 đập thủy điện đang hoạt động, trong đó có tới 40.000 “siêu đập”. Mặc dù không có khái niệm chính thức, các đập thủy điện có chiều cao trên 15m và có năng suất bình quân trên 400MW điện đều được coi là siêu đập.
Tăng trưởng dân số và gia tăng nhu cầu về nguồn nước đã thúc đẩy xây dựng hàng loạt siêu đập, với nguồn tài trợ sẵn có từ Trung Quốc – quốc gia đã và đang tài trợ cho 330 dự án thủy điện tại 74 quốc gia. Trung Quốc cũng đang đồng thời triển khai các dự án xây dựng đập thủy điện lớn trên lãnh thổ của mình. Sau khi khởi động đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới với công suất 18,2 gigawatt vào năm 2003, Trung Quốc dự kiến xây dựng thêm 100 siêu đập nhằm phục vụ mục tiêu giảm phát thải nhà kính từ điện than.
Brazil, một nền kinh tế mới nổi khác, cũng quyết định đầu tư mạnh tay vào các nhà máy thủy điện tại khu vực Amazon. Trên 40 dự án dự kiến sẽ được triển khai trên lưu vực Tapajos với mục tiêu sản xuất 25 gigawatt điện năng vào năm 2025.
Đập thủy điện được cho là rất hấp dẫn bởi vừa cung cấp năng lượng tái tạo thay thế sạch hơn năng lượng hóa thạch, vừa thúc đẩy an ninh nguồn nước. Thế nhưng, hậu quả tiêu cực từ các đập thủy điện là không thể phủ nhận.
Hàng nghìn người sống trong các khu vực dự kiến xây dựng thủy điện buộc phải di cư đến các khu vực chỉ được xây dựng sơ sài với mức bồi thường chưa thỏa đáng. Đập Tam Hiệp tại Trung Quốc đã buộc 1,2 triệu người dân phải di dời. Hay chỉ một công trình thủy điện nhỏ nhất như con đập Merowe tại Sudan cũng đã khiến 50.000 người dân phải tái định cư. Không những thế, đập thủy điện còn gây tác động không nhỏ tới môi trường, chẳng hạn như dẫn đến sự tuyệt chủng của các thủy sinh, suy thoái rừng và đất ngập nước, phá vỡ các dòng chảy tự nhiên.
Đập trên sông Mê Kông
Mê Kông, với cái tên có nghĩa là “dòng sông mẹ”, là con sông có lưu lượng dòng chảy lớn thứ 12 trên thế giới – khoảng 475km3/năm. Con sông này có chiều dài 4880km từ Cao nguyên Tây Tạng qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, mang lại sinh kế cho hơn 200 triệu người. Dọc theo chiều dài con sông, khoảng hơn 60 triệu người sống phụ thuộc vào nguồn nước mà con sông cung cấp.
Thế nhưng, sông Mê Kông đã trải qua nhiều thay đổi trong vài năm trở lại đây. Những ảnh hưởng lớn nhất bao gồm việc xây dựng hơn 39 siêu đập, thay đổi mực nước do biến đổi khí hậu, và gia tăng các hoạt động khai thác nguồn nước.
G.S Brahma Chellaney, tác giả cuốn “Water: Asia’s New Battleground” (tạm dịch: “Nguồn nước: Chiến trường mới tại Châu Á”) cho rằng tình trạng thiếu nước trong tương lai có thể sẽ làm suy giảm sản xuất nông nghiệp – ngành kinh tế chính giúp xóa đói giảm nghèo tại các nước Đông Nam Á. Hơn thế nữa, nguy cơ bùng nổ căng thẳng chính trị xoay quanh vấn đề Mê Kông là rất lớn nếu các quốc gia không hợp tác để đối mặt với những thách thức mới này.
Đập thủy điện hiện đang là mối đe dọa lớn đối với khu vực Mê Kông. Trung Quốc đã xây dựng 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông và lên kế hoạch cho 20 con đập khác. Trong khi đó tại phía Nam lưu vực, thêm 11 con đập sẽ được xây dựng chủ yếu trên lãnh thổ Lào, một trong những nước nghèo nhất Châu Á. Với kế hoạch xây đập đầy tham vọng, Lào khao khát trở thành “quả pin” của Châu Á, với tiềm năng công suất điện khoảng 26 gigawatt.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), đập thủy điện có thể làm suy giảm đáng kể sản lượng cá, ngăn trở vận chuyển phù sa và các chất dinh dưỡng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long và khiến hàng nghìn người dân buộc phải di dời.
Sông Nin và Omo tại Ethiopia
Ethiopia là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Phi, với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và 80% dân số là nông dân. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, quốc gia này đã phải đối mặt với tình trạng thoái hóa nặng nề tài nguyên đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, cùng với đó là hiện tượng sạt lở và bồi lắng tại các con sông.
Để giải quyết các vấn đề bức thiết trên, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường khả năng tiếp cận mạng lưới điện giữa các nước nghèo trên thế giới, vào những năm 1980, chính phủ Ethiopia đã phê duyệt hàng loạt dự án thủy điện. Đập Gilgel Gibe III thuộc chuỗi 5 đập thủy điện trên sông Omo và đập Grand Ethiopian Renaissance trên sông Nile, với công suất dự kiến khoảng 600 mega watt sẽ được xây dựng nhằm tăng gấp ba lần công suất điện của cả nước.
Rất nhiều các tổ chức và chính trị gia lo ngại rằng chuỗi đập thủy điện Gilgel Gibe sẽ trở thành dự án gây nhiều tranh cãi bởi các ảnh hưởng tiềm tàng đối với sông Omo và hồ Turkana – hồ lớn nhất trên khu vực sa mạc châu Phi.
Với hơn 90% lượng nước từ sông Omo, lưu vực Tarkana là nơi nuôi sống khoảng 350.000 người. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hồ Turkana đang đối mặt với tình trạng khô cạn và độ mặn tăng nhanh chóng do các hoạt động điều tiết mực nước sông phục vụ xây dựng Đập Gibe III, cũng như các dự án nông nghiệp quy mô lớn như tinh chế đường và sản xuất cồn ethanol.
Dọc theo sông Omo, hàng trăm nghìn nông dân đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đập thủy điện và hàng chục nghìn người đã phải di cư đến 5 ngôi làng và thị trấn mới xung quanh khu vực trồng mía và khoai mì.
Sông Omo vốn cung cấp nước tưới tiêu và phù sa cho canh tác nông nghiệp dọc theo con sông. Thế nhưng, từ khi các đập thủy điện làm thay đổi nhịp lũ tự nhiên, nhiều cộng đồng đã không còn được hưởng món quà thiên nhiên đó nữa.
Sông Amazon tại Brazil
Mặc dù sở hữu 1/5 trữ lượng nước trên thế giới, Brazil vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng một cách cục bộ. Các mạch nước ngầm phân bố không đồng đều trên khắp lãnh thổ, gây ra tình trạng thiếu nước liên tục tại miền Nam, trong khi miền Bắc lại dồi dào nguồn nước. Lượng mưa thay đổi do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới những vùng khô cằn, làm chậm quá trình phục hồi nước ngầm trong khi trữ lượng nước lớn trong khu vực đã bị khai thác.
Là quốc gia xuất khẩu thực phẩm lớn thứ hai thế giới, nền kinh tế Brazil phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Theo cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia, những ngành công nghiệp này tiêu thụ 72% lượng nước, làm cho các điều điện môi trường ngày một xấu đi. Thêm vào đó là sự vắng bóng của những chính sách quản lý bền vững nguồn nước ngầm và các cơ sở hạ tầng nguồn nước.
Nhu cầu về nguồn nước của Brazil được dự đoán sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Brazil cần đầu tư nhiều hơn vào các mô hình nông nghiệp bền vững, nâng cấp cơ sở hạ tầng nguồn nước, hỗ trợ hoạt động tái sử dụng nguồn nước và các hệ thống sản xuất công nghiệp. Thế nhưng thay vào đó, chính phủ Brazil lại ưu tiên chú trọng các đập thủy điện với kế hoạch xây dựng các dự án thủy điện có tổng công suất 25 gigawatt vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Greenpeace, không phải người dân Brazil mà chính các doanh nghiệp thực phẩm mới là đối tượng được hưởng lợi từ những dự án này, bởi nguồn nước từ các đập thủy điện được sử dụng để sản xuất đậu nành phục vụ xuất khẩu.
Mặt khác, các công trình thủy điện được xây dựng trong các khu rừng nhiệt đới. Riêng đập nước tại Tapajós đã có thể gây ngập một diện tích lớn hơn các thành phố London, Paris và Amsterdam cộng lại, làm mất đi sinh cảnh của các loài động vật. Trong khi đó, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của chính phủ đã không xét đến 8 loài động vật có vú mới sống trong khu vực xây đập, bao gồm 1 loài khỉ, 5 loài dơi, đồng thời không nghiên cứu đầy đủ về loài cá.
Áp lực ngày càng leo thang khi Brazil đưa ra chương trình phân bổ nguồn nước dài hạn cho 30 triệu cư dân đô thị tại San Paolo và nhiều khu vực khác vào năm 2016. Trong nhiều tháng, các nhà máy công nghiệp đã phải chịu rủi ro ngừng sản xuất do cạn kiệt nguồn nước. Cùng lúc đó, ngành nông nghiệp chiếm 8,4% GDP cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm nguồn nước trầm trọng vào mùa khô. Cuối năm 2016, chưa đến 20% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu đầy đủ.
Có thể thấy, mặc dù được coi là nguồn năng lượng sạch, các đập thủy điện đang là mối lo ngại không chỉ của ngành nông nghiệp, đe dọa đến an ninh lương thực các nước trên thế giới mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và cư dân sinh sống tại các khu vực đó.
Dương Kim/ Theo Scidev.net