BVR&MT – Công nghệ đang đảo ngược tình thế của những kẻ săn trộm
2h56 phút sáng. Một tin nhắn văn bản. Khi nheo mắt đọc, Dave Morgan nhận ra rằng những chú voi của anh đang gặp rắc rối. Các nhà nghiên cứu đã nghe thấy cả tràng tiếng súng tự động, nối tiếp là hai phát súng đơn độc gần trại của họ, tại VQG Nouabale-Ndoki của Cộng hòa Congo và gửi cảnh báo. Morgan đang ở Chicago cách xa gần 7.000 dặm, nhưng điều đó không ngăn được ông hỗ trợ một hoạt động để theo dõi những kẻ săn trộm trước khi chúng bỏ đi.
Trong vài phút sau, ông nói với các nhà nghiên cứu rằng sẽ liên lạc với VQG. Ông đã sớm có một cuộc gọi Skype với kỹ thuật viên phụ trách truyền thông chống săn trộm.
Trong vài ngày sau, Morgan sẽ điều phối các đội tìm kiếm những kẻ săn trộm. Chẳng bao lâu, họ tìm thấy chúng nhưng những kẻ săn trộm không đầu hàng mà bắn kiểm lâm VQG. Tuy nhiên, sau khi lực lượng tiếp viện đến, những kẻ săn trộm đã bỏ trốn, để lại rất nhiều trang thiết bị và cả 70 kg ngà.
Chúng cũng làm rơi cả căn cước, vì thế ba thành viên trong nhóm săn trộm bị bắt giữ. Nhưng còn nhiều hơn thế. “Chúng mang theo cả lều và thuốc thang đủ để ở nhiều tuần trong rừng – rõ ràng là chúng lên kế hoạch săn bắn rất nghiêm túc”, Morgan nói thêm.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy các đội đi vào trong rừng mang theo lều… Đó là một chỉ dấu đáng lo ngại cho thấy những kẻ săn trộm có năng lực và tài chính tốt. Rõ ràng chúng muốn giết rất nhiều voi”, Morgan lo lắng.
Có một vấn đề luôn hiện hữu nữa là nhu cầu về ngà voi tiếp tục thúc đẩy nạn săn trộm ở châu Phi và châu Á. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy quần thể voi Trung Phi giảm 64% chỉ trong một thập kỷ. Và bây giờ voi đang ngày càng bị săn bắt để lấy da – thứ được sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm “xa xỉ”, kể cả túi đánh golf và ví.
Mặc dù nhu cầu là thế nhưng vẫn có những người miệt mài hành động để ngăn chặn nguồn cung. Morgan là một nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn loài vượn Lester E Fisher, Vườn thú Lincoln Park và đã nghiên cứu voi ở Trung Phi trong nhiều năm nay. Mặc dù ông làm việc ở bên kia bán cầu nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ giám sát hoạt động ở VQG Nouabale-Ndoki. Có năm khu vực nghiên cứu, tổng cộng khoảng 425 km2 mà các nhóm nghiên cứu của ông thường xuyên khảo sát.
Phát hiện của họ, ghi lại những con đường mòn voi đi hoặc dấu hiệu của những kẻ săn trộm – được đăng nhập qua GPS để Morgan và các đồng nghiệp có thể theo dõi mọi thứ từ xa.
“Đây là một khu rừng tuyệt vời, nơi bạn có những tuyến đường mòn lớn và đẹp đẽ mà voi đi. Đó là một hệ sinh thái lành mạnh, một cảnh quan rừng nguyên sinh”, ông nói.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác gỗ ngày càng tiến gần hơn với các khu vực được bảo tồn trong những năm qua mà Morgan nghĩ rằng có thể đã làm cho những kẻ săn trộm dễ dàng tiếp cận VQG hơn.
Tại những nơi khác ở châu Phi, các nhóm như WWF đã sử dụng công nghệ để theo dõi những kẻ săn trộm – ngay cả trong đêm khuya. Kể từ khi triển khai các hệ thống camera nhiệt ở Kenya vào năm 2016, WWF cho biết hơn 100 kẻ săn trộm đã bị bắt giữ.
Và trong khi nỗ lực chống săn trộm có thể được cung cấp nguồn lực tốt thì những kẻ săn trộm cũng vậy. Morgan cho biết thực tế là băng nhóm được trang bị rất tốt: “Ai đó ở xa nhưng vẫn thật sự hỗ trợ vấn nạn này”.
Đối với một số nhà bảo tồn, đó là vấn đề thực sự. Andrea Crosta – Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập tổ chức Elephant Action League (EAL) nói rằng việc chỉ giải quyết những kẻ săn trộm là không đủ.
“Bạn có thể bỏ tù 10 tên, có thể giết chết năm tên, nhưng bạn không thay đổi được vấn đề”, ông nói. “Vấn đề chính là những lái buôn”.
Đó là những kẻ tổ chức vận chuyển hàng lậu ĐVHD như ngà voi, sừng tê giác hay vảy tê tê từ các nước xuất xứ sang các nước có nhu cầu. Chúng cũng thường thiết lập việc bán các mặt hàng đó cho người mua.
Crosta làm việc với các nhóm trên toàn thế giới để tìm ra ai là lái buôn và chúng kết nối với ai. Các đồng nghiệp của anh thường phải làm công việc này một cách bí mật.
“Họ thường giả vờ là người mua nhưng rất tốn công vì phải mất nhiều tháng để có được sự tin tưởng của những kẻ này”, ông giải thích. Nhưng kết quả, nếu thành công, là những thông tin quý giá về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp: “Thường thì những kẻ đó đưa bạn đến nơi, giới thiệu bạn với gia đình và nói với bạn mọi thứ”.
Một lái buôn bị truy nã đã bị bắt tại Thái Lan vào tháng 12, một phần nhờ vào những tháng làm việc của các đội EAL. Nhưng công việc thu thập thông tin về những người như thế này thường rất nguy hiểm. Ở một số nước, các nhóm EAL hoạt động mà không để chính quyền biết vì có nguy cơ một người nào đó trong chính quyền tham nhũng và bắn tin cho các băng nhóm tội phạm liên quan đến săn trộm và buôn bán.
Nhưng Crosta được thuyết phục rằng những nỗ lực và rủi ro đang thực hiện là đáng giá. “Mỗi khi bạn tống vào tù được một trong số những kẻ đó, thậ sự là một cú đánh lớn vào toàn bộ chuỗi cung ứng”.
Quan trọng hơn, Trung Quốc gần đây đã cấm buôn bán ngà voi hợp pháp ở nội địa – một sự thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt đã làm giảm giá ngà voi. Crosta và Morgan đều đang theo dõi xem liệu điều này có khiến nạn săn trộm giảm hơn không. Mặc dù vẫn có hy vọng, song họ chưa tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào.
“Nếu có nhu cầu về ngà voi, họ (thợ săn, đầu nậu…) sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống”, Morgan lo lắng.
Nhật Anh (Theo bbcearth)