BVR&MT – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia (Quy hoạch) lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam nên được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.
Đây là vấn đề rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, khi Quy hoạch được Quốc hội thông qua sẽ là nền móng cho công tác lập các quy hoạch vùng, địa phương, ngành.
Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia đang được tiến hành rất khẩn trương. Dựa trên ý kiến góp ý của Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội tại kỳ họp bổ sung, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch đang được đẩy nhanh
Một trong những mục tiêu phấn đấu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 là đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, Việt Nam giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 – 2030; trong đó, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng từ 8 – 8,5%/năm.
Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.
Cũng theo Nghị quyết, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.
Giai đoạn 2031 – 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt từ 70 – 75%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Quy hoạch năm 2017 đã thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, thay thế cho 3.654 quy hoạch cùng cấp trong thời kỳ trước đây (2011-2020), tương ứng với việc cắt giảm 97% số lượng các loại quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên.
Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là cơ sở để lập các quy hoạch khác. Quy hoạch tổng thể quốc gia có 2 nhiệm vụ chính.
Trước hết là sắp xếp, tổ chức không gian phát triển dài hạn của đất nước, bao gồm các hạ tầng khung quốc gia như cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc gia; các trục kết nối, hành lang kinh tế, các vùng động lực và cực tăng trưởng, từ đó tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa vào những khung định hướng này, sẽ có tầm nhìn mới về không gian phát triển của đất nước trong 30-50 năm tới. Đây là việc rất khó và phức tạp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch cũng là căn cứ và cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển xã hội, bao gồm kế hoạch đầu tư công, kế hoạch 5 năm và hàng năm. Ngoài việc được coi là công cụ quản lý hữu hiệu, Quy hoạch còn là cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng như để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho biết, trong quá trình thực hiện, phải xác định đúng phạm vi của Quy hoạch tổng thể Quốc gia với vai trò là cầu nối giữa chiến lược và kế hoạch. Một mặt, phải đảm bảo Quy hoạch tổng thể quốc gia không quá khái quát, mặt khác lại không quá chi tiết, để tránh trùng lặp, chồng chéo với hệ thống quy hoạch cấp dưới.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phải bảo đảm hài hòa giữa các mối quan hệ lớn: Phát triển nhanh với phát triển bền vững, bao trùm; giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa xây dựng nền kinh tế tự chủ với tăng cường kết nối kinh tế quốc tế; giữa phát triển có trọng tâm, trọng điểm với thúc đẩy phát triển một số địa bàn khó khăn.
Ngoài ra, Quy hoạch này còn phải bảo đảm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch của các ngành, địa phương; bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống trong phát triển các ngành và vùng, đặt lợi ích tổng thể quốc gia lên cao nhất.
Để đạt được mục tiêu đề ra, dự kiến nguồn lực để thực hiện Quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030 là khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP thông qua huy động tối đa các nguồn lực bao gồm: Nguồn lực Nhà nước; đầu tư tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công – tư; vay vốn nước ngoài.
Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng các quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian đến mốc đặt ra không còn nhiều, trong khi đất nước đang đối diện với nhiều thách thức từ cả bên ngoài và những khó khăn nội tại. Những yếu tố này tạo nên áp lực rất lớn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi vừa phải đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu, nhưng vừa phải đảm bảo chất lượng, mà chất lượng phải là hàng đầu.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng chỉ ra rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch, phải lập đồng thời cùng lúc 110 quy hoạch, gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 39 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh. Như vậy, khối lượng công việc cần phải tiến hành rất lớn.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, việc lập, phê duyệt quy hoạch đang được đẩy nhanh tiến độ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực và tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng đồng bộ, tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch trong giai đoạn tới.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng chia sẻ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tặng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030; trong đó, cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Các quy hoạch trước được phê duyệt trước, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn và quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Các quy hoạch trước đây tương ứng được tiếp tục thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.
“Để hoàn thành được quy hoạch là thách thức rất lớn. Quan điểm của Chính phủ là cố gắng đến mức cao nhất để sớm hoàn thành phê duyệt nhưng không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng quy hoạch…”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.