BVR&MT – Với sự phát triển của các động cơ, xe máy giá rẻ và công nghệ phục vụ săn bắt như súng săn, lưới và bẫy thòng lọng, con người ngày càng dễ dàng vào rừng săn bắt mà không cần kỹ năng. Trong khi đó, nhu cầu thịt thú rừng, động vật hoang dã làm cảnh và làm thuốc cũng không ngừng tăng, gây ra cuộc khủng hoảng trong thế giới động vật hoang dã ở nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt là tại các vùng rừng nhiệt đới.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 đã chỉ ra rằng không phải mất môi trường sống hay phá rừng, săn bắt chính là mối đe dọa lớn nhất đến đa dạng sinh học ở Đông Nam Á. Nhận thấy hiện chưa có ước tính quy mô lớn, mang tính hệ thống nào về sự suy giảm số lượng động vật hoang dã do săn bắt, nhóm các nhà sinh thái học và môi trường Đại học Radboud (Hà Lan) đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Science hồi giữa tháng này.
Nhóm các nhà khoa học đã thực hiện 176 nghiên cứu, trong đó có nhiều nghiên cứu ở cấp địa phương, để có cái nhìn tổng thể về mức độ suy giảm các quần thể các loài động vật có vú và chim do nạn săn bắt ở các vùng rừng nhiệt đới.
Ana Benítez-López, nhà môi trường học, Đại học Radboud (Hà Lan), trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng nạn phá rừng hay mất môi trường sống còn có thể được giám sát bằng viễn thám, nhưng hoạt động săn bắt chỉ có thể theo dõi trên mặt đất. Do vậy, cần có một phương pháp có hệ thống và nhất quán để ước tính tác động của nạn săn bắt ở các khu rừng nhiệt đới.
Trong nghiên cứu này, TS. Ana Benítez-López và các cộng sự đưa ra giả thuyết rằng nạn săn bắt diễn ra nghiêm trọng hơn ở các khu vực gần làng mạc và các địa điểm dễ tiếp cận như đường xá và lựa chọn các điểm này là điểm xuất phát tiến hành nghiên cứu.
Song trên thực tế, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, càng đi xa các điểm dễ tiếp cận, mật độ loài ưa thích của các thợ săn sẽ tăng theo và tới các khu vực không bị tác động của săn bắt nữa. TS. Ana Benítez-López gọi đây là các khoảng cách suy giảm loài (species depletion distances) và cùng các đồng nghiệp của mình định lượng các khoảng cách. Xác định được khoảng cách suy giảm loài sẽ dễ dàng xây dựng bản đồ về suy giảm động vật do săn bắt tại các vùng nhiệt đới.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các quần thể chim và thú chịu tác động từ nạn săn bắt lớn hơn so với dự đoán, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ. Nghiên cứu cho hay, độ phong phú của các loài chim đã giảm trung bình 58%, quần thể thú giảm trung bình 83% tại các vùng bị do săn bắt so với những khu vực không bị tác động.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các quần thể chim và thú sẽ bị suy giảm trong bán kính 7 đến 40km từ các điểm dễ tiếp cận (đường xá và hay các khu dân cư). Hơn nữa, áp lực săn bắt tại các khu vực dễ tiếp cận là các thị trấn lớn thường cao hơn do hoạt động buôn bán thịt thú rừng.
Benítez-López cho hay sự khác nhau trong khoảng cách suy giảm loài giữa chim và thú – cụ thể là 7km từ các điểm tiếp cận với chim, còn với các loài thú là 40km – chủ yếu do các loài thú có kích thước lớn hơn, cho nhiều thịt hơn nên chúng trở thành đối tượng đáng giá bỏ công sức săn lùng hơn. Con thú càng lớn, thợ săn sẽ càng cố đi xa để bắt được chúng. Khi nhu cầu thịt thú rừng tại các vùng nông thôn và đô thị tăng lên, các loài lớn hơn bị săn bắt tới mức sắp tuyệt chủng tại các vùng gần các làng mạc. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy thậm chí người dân còn mang một số lượng thịt thú rừng đáng kể từ châu Phi tới châu Âu để tiêu thụ.
Cũng theo nghiên cứu, các thợ săn với mục đích thương mại thường tác động lớn hơn tới động vật hoang dã so với các thợ săn vì mục đích sinh tồn, săn bắt chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình. Mật độ quần thể thú bên ngoài khu bảo tồn giảm xuống thấp hơn so với bên trong có nguyên nhân chính từ các hoạt động săn bắt nhằm mục đích thương mại này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chỉ cần thành lập các khu bảo tồn thì động vật hoang dã nghiễm nhiên sẽ được an toàn. Thực tế, nghiên cứu cho hay quần thể chim thú trong các khu bảo tồn cũng bị suy giảm.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, hiện chỉ còn 17% loài thú và 42% loài chim so với ban đầu còn lại trong các khu vực bị săn bắt. Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần có các chiến lược quản lý hoạt động săn bắt thú rừng bền vững cho cả các hệ sinh thái nhiệt đới được bảo tồn và không được bảo tồn.
Dương Kim (Theo Mongabay)