Phú Yên: Giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật

BVR&MT – Trong những năm qua, các cấp hội nông dân đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Sở KH-CN, các trung tâm, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao KH-CN mới, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nông dân xã An Hòa Hải, huyện Tuy An ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình trồng nho xen dâu. Ảnh: NGỌC HÂN

Khi nông dân làm chủ công nghệ

Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tạo ra nông sản sạch, năm 2017, ông Trần Ngọc Phú ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh đã áp dụng trên diện tích canh tác 5.000m2 trồng cây sachi và sầu riêng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo ông Phú, trước đây gia đình ông trồng cà phê, tiêu, cao su… Để sản phẩm có năng suất, sản lượng cao, ông đã sử dụng nhiều hóa chất và phân bón hóa học cho cây trồng, nên ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe, làm đất bạc màu dần mà chi phí sản xuất cao, nông sản không bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua các lớp chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Phú đã tự làm phân thuốc cho cây bằng cách tận dụng các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi như phân chuồng, rác thải vỏ cà phê và cá tạp ủ hoai để bón cây; sử dụng men vi sinh và chế phẩm sinh học để phòng bệnh thay vì phải phun các thuốc hóa học độc hại. “Với hướng chăm sóc theo tự nhiên, vườn sachi và sầu riêng của gia đình tôi đã cho thu hoạch với năng suất cao. Ngoài ra, tôi còn đầu tư công nghệ chế biến hạt sachi theo quy trình khép kín làm tăng giá trị sản phẩm và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua bán hàng online. Riêng việc thu hoạch từ cây sachi, mỗi năm cho thu nhập 350 triệu đồng. Mô hình này được nhiều nông dân khác đến học hỏi và đã nhân rộng ra nhiều hộ trong xã”, ông Phú cho biết.

Đưa chúng tôi thăm vườn rau hữu cơ, ông Huỳnh Ngọc Trúc ở xã An Mỹ, huyện Tuy An cho hay: Cũng như bao hộ nông dân khác ở xã, nhiều năm trước gia đình tôi trồng rau màu các loại, tuy nhiên thu nhập không cao. Nhờ Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tôi đã bắt tay vào trồng các loại rau xà lách, ngò, dền đỏ, mồng tơi, húng quế, dưa leo, ớt hiểm, rau má… trên diện tích hơn 1ha. Sau thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, tích lũy kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình tôi luôn thu hoạch với sản lượng cao, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng. Ước tính bình quân mỗi vụ (trồng từ 2-3 tháng), lợi nhuận được hơn 30 triệu đồng.

Đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng

Theo Hội Nông dân tỉnh, trong nửa nhiệm kỳ qua, thông qua hoạt động phong trào, các cấp hội phối hợp với ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp, các trung tâm, trường dạy nghề, tổ chức chuyển giao KH-CN mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho 160.082 lượt hội viên; phối hợp xây dựng khoảng 100 mô hình trình diễn theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP; 230 mô hình nhóm, hộ, tổ liên kết và 160 tổ hợp tác…

“Thông qua các mô hình, các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, nhân công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh cho biết.

Ông Đặng Xuân Thanh ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, chủ cơ sở sản xuất Bò một nắng Thanh Tuyền cho biết: “Huyện miền núi Sơn Hòa nổi tiếng với giống bò cỏ của địa phương. Tuy nhiên, trước đây vì mỗi cơ sở sản xuất bò một nắng đều phải tự xây dựng và phát triển thương hiệu của mình nên việc tìm kiếm thị trường rất khó khăn. Từ khi được Sở KH-CN xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bò một nắng” Phú Yên, uy tín của những cơ sở sản xuất được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tăng lên rõ rệt. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm bò một nắng ngày càng rộng mở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng khởi sắc hơn.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, hội nông dân các cấp sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ liên kết sản xuất gắn với định hướng tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Trong quá trình tái cơ cấu, ngoài các định hướng mang tính đột phá mà tỉnh đã đề ra thì yếu tố “người nông dân kiểu mới” đóng vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ với nhau để sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện mới môi trường; gắn mô hình sản xuất với xây chi, tổ hội nghề nghiệp… Để làm được điều này, các hộ nông dân cần áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, cùng nhau liên kết sản xuất chứ không theo kiểu đơn lẻ, mang tính cá nhân như lâu nay.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh