BVR&MT – Người Việt đi đến đâu cũng mang theo tâm thức về Quốc Tổ, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó có đền thờ các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội, khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là sức mạnh củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Từ ý nghĩa đặc biệt và hết sức nhân văn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 1995, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn trong năm. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài…
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong năm tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 1.400 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ – vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Từ Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.
Ngày nay, ngoài địa điểm chính là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, trong đó nhiều tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ cho đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Kiên Giang… Tại đình làng Lương Khế (phường Thống Nhất, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được bà con duy trì tổ chức gần 100 năm nay. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người dân làng Lương Khế. Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân dâng hương và hơn 40 sản vật ẩm thực như rượu Ngọc Linh, cà phê Da Vàng, heo quay, bánh chưng, bánh dày, cơm lam, xôi gấc, nem chả… kính cáo với các Vua Hùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội đã đạt được.
Ông Phan Thế Ngọc, Trưởng ban Quản lý đình Lương Khế cho biết: Trải qua những năm tháng thăng trầm lịch sử, dân làng Lương Khế vẫn duy trì tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Với người dân Đình Lương Khế nói riêng và nhân dân TP. Kon Tum nói chung, việc được tham gia trực tiếp lễ hội, thắp nén hương dâng lên bàn thờ Tổ là niềm vinh hạnh và tự hào.
Còn ở tại tỉnh Lâm Đồng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trải qua thời gian được bảo tồn cả về cơ sở thờ tự, nghi thức thờ cúng, lễ hội và không gian văn hóa. Dù xa Đất Tổ gần hai ngàn cây số, những ngôi đền thờ Quốc Tổ và tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đang là điểm tựa tâm linh, truyền linh khí cội nguồn; là nơi người dân Lâm Đồng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng. Tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (Phường 6), Đền thờ Vua Hùng (Phường 2), miếu thờ Quốc Tổ ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP. Đà Lạt), Đền Thờ Âu Lạc (Khu du lịch Thác Pern) và rất nhiều đình, đền, miếu khác tại các huyện trong tỉnh Lâm Đồng đều dành một ban thờ trang trọng để tưởng nhớ Quốc Tổ và các bậc tiền nhân. Hàng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cấp tỉnh được tổ chức quy mô lớn tại Đền thờ Âu Lạc với nhiều hoạt động ý nghĩa ở cả phần lễ và phần hội theo nghi thức truyền thống.
Đặc biệt, tại các quốc gia khác, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng thành kính tổ chức tri ân vào ngày Quốc giỗ 10/3 âm lịch hàng năm. Các kiều bào trong ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức các hoạt động nghi lễ truyền thống, dâng sản vật, hoa quả, thắp hương tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng xây đất nước. Đây cũng là dịp để những người con xa xứ hướng về nguồn cội. Ông Phùng Kim San – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, người con Đất Tổ chia sẻ: Bản thân tôi và những kiều bào Việt Nam nơi đây luôn thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi rất tự hào vì chung nguồn cội, giữ được nét đẹp văn hóa cổ truyền mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Giỗ Tổ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ của văn hoá tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay. Đây cũng là một tín ngưỡng độc đáo, minh chứng cho nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh, trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần của dân tộc Việt Nam trên chặng đường dựng nước và giữ nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.