Phú Thọ: Tạo đà phát triển công nghiệp chế biến gỗ

BVR&MT – Phú Thọ là tỉnh có diện tích rừng và đất rừng lớn với 190.000ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất khoảng 120.000ha, hàng năm diện tích trồng rừng tập trung khoảng trên 10.000ha. Xác định được tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển rừng là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm nhằm cung cấp nguyên liệu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn theo hướng bền vững.

Xưởng gỗ bóc của anh Vũ Thanh Bình, xóm Bần, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định

Những năm gần đây, diện tích rừng trồng mới ngày càng tăng cao. Năm 2022, toàn tỉnh trồng mới gần 10 nghìn ha rừng tập trung, trong đó trồng cây gỗ lớn khoảng 2.400ha, rừng đặc dụng, phòng hộ 50ha, chuyển hóa gỗ lớn trên 300ha.

Về Thanh Ba những ngày này, chúng tôi thực sự ấn tượng trước những vạt rừng xanh ngát, những cây keo thân to, cao vút đang đến tuổi thu hoạch. Anh Nguyễn Cao Cường ở khu 5, xã Vân Lĩnh phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có bốn ha rừng, chục năm trước, nhiều diện tích đồi rừng ở xã chỉ trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế thấp. Sau khi nhận thấy một số hộ tiên phong phát triển hiệu quả kinh tế đồi rừng, bà con trong xã bắt đầu thay đổi tư duy. Hiện, toàn xã có trên 200ha rừng, năng suất rừng trồng đạt khoảng 70-80m3/ha với giá trị kinh tế khi thu hoạch đạt 80-100 triệu đồng/ha”.

Là một trong những địa phương trồng rừng đạt 100% kế hoạch được giao, năm qua, Thanh Ba trồng rừng tập trung 200ha, trồng 60.000 cây phân tán các loại, trồng gần 40ha cây gỗ lớn theo chương trình “an sinh xã hội”; chuyển hóa 32ha cây gỗ lớn, chủ yếu tập trung trồng cây keo. Để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, hầu hết diện tích rừng được bảo vệ tốt, tỉ lệ che phủ rừng của huyện đạt 21,6%.

Xây dựng vùng nguyên liệu từ trồng rừng, phát triển rừng bền vững, tỉnh chỉ đạo trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đưa vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng; đẩy mạnh trồng, chăm sóc cây phân tán, bình quân trên hai triệu cây/năm, góp phần thực hiện Đề án “Trồng một tỉ cây xanh” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Ngọc Cường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, hướng tới quản lý rừng bền vững, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó trồng và chuyển hóa rừng cây gỗ lớn trên 8.420ha (trồng 3.450ha, chuyển hóa rừng 4.970ha) tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, tất cả hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ lần một khi rừng đạt từ sáu năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ bẩy triệu đồng/ha, hỗ trợ lần hai sau ba năm thực hiện hỗ trợ lần một, mức hỗ trợ năm triệu đồng/ha. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ một lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững, mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ha… Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Hạt Kiểm lâm huyện Phù Ninh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển hóa rừng trồng cây gỗ lớn, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu chế biến gỗ.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi, thách thức, Phú Thọ đã xây dựng Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển lĩnh vực lâm nghiệp có hướng đến chế biến và xuất khẩu.

Xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn là địa phương có thu nhập chủ yếu từ nông, lâm nghiệp. Để khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển nghề chế biến gỗ, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Xưởng gỗ bóc của anh Vũ Thanh Bình, xóm Bần đã có tám năm hoạt động, được đầu tư dây chuyền bóc gỗ, nhà xưởng, xe chuyên dụng vận chuyển gỗ thu mua từ các gia đình tại địa phương và các xã lân cận. Anh Bình cho biết: “Sản phẩm gỗ bóc phần lớn được tiêu thụ tại các doanh nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội), sử dụng để sản xuất ván ép xuất khẩu hay ván gỗ dăm công nghiệp. Ngoài ra, phụ phẩm cũng được tận dụng làm chất đốt lấy nhiệt sấy khô ván và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Hiện tại, xưởng chế biến gỗ bóc của gia đình có khoảng 10 lao động làm việc thường xuyên”.

Hiện nay, các làng nghề chế biến gỗ trong tỉnh cũng đã chú trọng ứng dụng nhanh công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến,… coi đây là yếu tố trọng yếu, tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Thực tế cho thấy, tại các địa phương, thu nhập của hộ gia đình từ các sản phẩm chế biến gỗ chiếm phần lớn tổng thu nhập kinh tế, góp phần cung cấp lượng hàng hóa cho tiêu dùng, xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh là một trong những giải pháp nhằm phát triển kinh tế rừng bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, giảm nghèo bền vững.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, sáu hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản. Chỉ tính giai đoạn 2016-2021, ngành chế biến gỗ, giấy của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá, trên 9%/năm, đưa giá trị sản xuất năm 2021 lên trên 9.000 tỉ đồng. Các sản phẩm gỗ đa dạng từ nguyên liệu thô đến sản phẩm tinh như: Giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván MDF, HDF, đồ mộc gia dụng, ván thanh, viên gỗ nén, củi ép, than củi… Sản phẩm gỗ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước: Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung rà soát các cơ sở, doanh nghiệp chế biến dăm gỗ hiện có; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm mộc quy mô lớn. Cùng với đó, cơ sở chế biến gỗ cũng đã thay đổi tư duy theo hướng chuyển đổi từ chế biến các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng.

Thực tế cho thấy, những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp của tỉnh. Sự phát triển đó đã thúc đẩy trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần không nhỏ trong chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, dù có nhiều khởi sắc nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, cần giải pháp để tháo gỡ.